Tang trắng bên dòng Ô Lâu

Lương Ðiền là làng thuần nông ven dòng sông Ô Lâu thơ mộng, thuộc xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Cùng lúc mất đi mẹ, em trai, em gái, cháu ruột và nhiều người thân khiến anh Nguyễn Khắc Du (ở trần) không đứng vững.

Những năm gần đây, thanh niên trai tráng ở Lương Ðiền chủ yếu đi làm ăn xa, vào tận các tỉnh miền Nam. Vậy nên, mỗi năm có vài lần, người làng này tổ chức đón rước những cô dâu… ngoại tỉnh. Thậm chí bà con còn rất vui vẻ, kéo nhau ra ở cổng làng để hóng, nhìn mặt cô dâu và chúc phúc cho những cặp đôi trẻ vào những dịp như vậy. Vậy mà, 13 con người xấu số trong cùng 1 đại gia đình trên chuyến xe định mệnh ấy đã mãi mãi ra đi…

Sáng 30/7, chúng tôi có mặt tại thôn Lương Điền (xã Hải Sơn). 13 nạn nhân đều ở cùng đội 3, quây quần trong bán kính chừng 100m.

Chú rể, nạn nhân xấu số Nguyễn Khắc Long sống trong gia đình khá hoàn cảnh, Bố của anh Long qua đời vì tai nạn cách đây khoảng 10 năm, bà Ngô Thị Bê (mẹ anh Long cũng tử vong trong vụ tai nạn) ở vậy nuôi con cho đến bây giờ. Anh Long vào Bình Dương lập nghiệp được khoảng 5 năm nay, trong thời gian này đã quen và quyết định đi đến hôn nhân với người bạn đời quê Bình Định. Trong nhà có 4 anh em thì anh Long cùng chị gái không may qua đời trong tai nạn vừa rồi. Sau khi tốt nghiệp THPT ở quê nhà, Long theo học ngành Y ở Đà Nẵng rồi vào Bình Dương lập nghiệp. Long làm nhân viên Y tế của một công ty thép ở thị xã Bến Cát của tỉnh Bình Dương.Vợ sắp cưới của Long quê ở Bình Định, làm kế toán cùng công ty.

Khi chúng tôi đến Lương Điền, rất đông bà con trong thôn và các thôn lân cận đang dọn lại nhà cửa, sân, vườn ở các gia đình nạn nhân để lo tang lễ cho họ. Tham gia cùng người dân còn có hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, xã đội, dân quân tự vệ, cán bộ y tế, hội chữ thập đỏ… Có mặt từ rất sớm tại Lương Điền, Đại tá Trần Đức Việt, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị và Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã không cầm được nước mắt: “Thật quá đau buồn, những cái chết chồng chất, tức tưởi như bị một quả bom lớn dội trúng trong chiến tranh. Ngay khi nghe hung tin, chúng tôi lập tức cử 6 đồng chí khẩn trương lên đường vào Quảng Nam trong đêm để hỗ trợ các nạn nhân và gia đình. Đến sáng sớm nay thì chúng tôi điều động lực lượng anh em cán bộ chiến sĩ về đây giúp dân”.

Một phụ nữ bị ngất phải nhận trợ giúp y tế; Nỗi đau tột cùng của người thân các nạn nhân.

10 giờ đêm 29/6, đoàn xe gồm 2 chiếc, một chiếc 16 chỗ ngồi mang BKS tỉnh Thừa Thiên-Huế và một chiếc 4 chỗ cùng xuất phát tại thôn Lương Điền vào Bình Định làm lễ xin cưới và rước dâu. Trên xe 16 chỗ có 17 người, gồm cả tài xế. Khi xe đang chạy trên địa bàn huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thì xảy ra tai nạn. Vụ TNGT kinh hoàng đã làm 14 người tử vong (10 người chết tại chỗ, 3 người chết trên đường đến bệnh viện, 1 người chết tại bệnh viên). Trong đó, gia đình bà Bê có 4 người, gồm bà Bê, con trai Nguyễn Khắc Long và con gái Nguyễn Thị Nhung và cháu nội Nguyễn Thư Kỳ (năm nay lên lớp 3, con anh Nguyễn Khắc Du đi trên xe chở đồ lễ 4 chỗ ngồi). Cháu Nguyễn Trúc Hân (khoảng 6 tuổi), con chị Nhung bị thương rất nặng, đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. 8 người khác bị tử vong đều là người thân, họ hàng trong cùng 1 đại gia đình của bà Bê, gồm anh Nguyễn Khắc Nguyền cùng vợ là chị Nguyễn Thị Gái (49 tuổi) và em ruột anh Nguyền là anh Nguyễn Khắc Mãn. Các chị Võ Thị Tiến, Nguyễn Thị Tiến; các ông Nguyễn Khắc Bình, Nguyễn Khắc Mỹ, đều là người thân bên ngoại của anh Long.

Đúng 10h sáng 30/6, đoàn xe cứu thương của tỉnh Quảng Nam chở 13 thi thể xấu số về đến làng Lương Điền. Những người có mặt, chứng kiến cảnh đau thương tang tóc ở đây đều không cầm được nước mắt. Cùng lúc mất đi mẹ, em trai, em gái và đứa cháu ruột cùng 10 người bà con thân thích khiến anh Nguyễn Khắc Du (con trai bà Bê, anh trai Long) như người mất hồn. Xe đưa thi thể người thân vào nhà, anh Du gào khóc thảm thiết. Theo người thân cho biết, trong 2 người anh trai của nạn nhân Nguyễn Khắc Long, anh Nguyễn Khắc Du ở quê nhà với mẹ, còn anh Nguyễn Khắc Thuyết làm việc ở Bình Dương.

Các cháu nhỏ Nguyễn Thị Như Nguyệt (15 tuổi, năm nay vào lớp 10 Bùi Dục Tài, Hải Lăng), Nguyễn Thị Ngọc Liên (năm nay lên lớp 7), là con của vợ chồng anh Nguyễn Khắc Nguyền, chị Nguyễn Thị Gái lao vào ôm chặt thi thể cha mẹ, khóc ngất lúc mới đưa vào nhà. Ông Nguyễn Khắc Miễn (86 tuổi), ông nội của 2 cháu nhỏ như chết đứng. Ông bỗng đổ gục xuống nền nhà, 2 mắt ông trợn ngược nhìn ngơ ngác, bởi không biết chuyện gì đang xảy đến với gia đình mình.

Ngồi bên thi thể cha Nguyễn Khắc Mãn, con trai Nguyễn Khắc Tấn (năm nay học lớp 11) ngơ ngác, không khóc thành tiếng, nước mắt như thể vón khô trong lòng. Nhà nghèo, ông Mãn đi phụ thợ hồ, còn vợ là Tống Thị Cận phải vào miền Nam làm giúp việc để lo cho các con ăn học. Anh chị của Tấn đi làm ăn xa chưa kịp trở về. Nay việc hậu sự cho cha mẹ đành nhờ chính quyền, họ tộc, xóm giềng giúp đỡ.

Ông Nguyễn Khắc Cẩm, đại diện dòng tộc Nguyễn Khắc cho hay, chính quyền địa phương và họ hàng người thân của các nạn nhân đã thống nhất chọn ngày mồng 1 và mồng 2 tháng 8 làm lễ mai táng, tiễn đưa 13 nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn giao thông về nơi chín suối.

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, trước mắt chính quyền huyện tạm hỗ trợ mỗi nạn nhân bị chết 3 triệu đồng, bị thương 2 triệu đồng. Ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là người trực tiếp tổ chức, dẫn đoàn xe cứu thương đưa 13 thi thể xấu số về quê, cũng cho hay, ngay sau vụ TNGT khảm khốc, huyện Điện Bàn đã hỗ trợ mỗi nạn nhân bị chết 2 triệu đồng, bị thương 1 triệu đồng. ‘Vụ tai nạn giao thông hết sức thảm khốc, chính quyền tỉnh đã huy động nhân lực, vật lực để hỗ trợ lo hậu sự cho 13 nạn nhân. Tỉnh cũng sẽ kêu gọi thêm nhiều sự giúp đỡ của xã hội để giúp đỡ gia đình các nạn nhân”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nói.

H.Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tang-trang-ben-dong-o-lau-1307394.tpo