Tăng trách nhiệm, tránh đổ lỗi

Trong lần làm việc về quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường học, lớp học của địa phương mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) Nguyễn Văn Dong chia sẻ:

- Ở huyện Ba Bể, những trường có số học sinh ít, dưới 100 em mới sáp nhập để hoạt động giáo dục hiệu quả. Chính quyền địa phương phải họp, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh giải quyết tốt tâm tư giáo viên, cán bộ quản lý... Vì vậy, huyện Ba Bể đã sáp nhập được ở bốn xã, thị trấn, từ tám trường xuống còn bốn trường tiểu học hoặc liên cấp tiểu học và THCS. Hiệu quả việc sáp nhập thấy rất rõ, nhưng có những chuyện chuyên môn thì cũng khá bất ngờ.

- Sao chuyên môn lại có chuyện bất ngờ? Tôi hỏi.

- Trước đây, vấn đề chất lượng học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp tiểu học, lên THCS có chút yếu kém hay “ngồi nhầm lớp” thì trường THCS nói là do hậu quả quá trình dạy học từ tiểu học; tiểu học lại nói do THCS. Bây giờ, sáp nhập lại thành một trường liên cấp tiểu học và THCS, sinh hoạt chuyên môn, trách nhiệm chung thì không thể đổ lỗi cho nhau. Vậy nên ai cũng cố gắng trong dạy và học, giảm bớt bệnh thành tích ở những lớp cuối cấp - ông Dong cười.

Lâu nay, một số trường hợp học sinh yếu, kém nhưng vẫn được cho lên lớp chuyển cấp gây nên thực trạng “ngồi nhầm lớp”. Nguyên nhân chính do bệnh thành tích và tâm lý “hết trách nhiệm” khi học sinh không còn học ở trường của một số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Vì vậy, việc quy hoạch, sáp nhập trường tiểu học và THCS không chỉ giải quyết vấn đề quy mô trường lớp quá bé, tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ không trực tiếp giảng dạy mà còn góp phần thay đổi hoạt động chuyên môn. Điều đó cũng tăng nỗ lực, trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo trong nâng cao chất lượng dạy học thực chất...

GIANG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34561302-tang-trach-nhiem-tranh-do-loi.html