Tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực

Mặc dù xu thế xuất khẩu nhìn chung đang chậm lại, nhưng năm 2020, UBND tỉnh vẫn đưa ra kế hoạch tăng trưởng lĩnh vực này là 10-11% so với năm 2019. Muốn hoàn thành mục tiêu này, 5 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh phải đạt mức tăng cao. Trong đó, nhận diện được cơ hội, thách thức để mở rộng thị trường xuất khẩu là việc các doanh nghiệp (DN) phải chủ động từ đầu năm.

Giày dép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Giày dép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Những ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai gồm: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Các mặt hàng chủ lực này chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

* Lệ thuộc một số thị trường lớn

Tuy Đồng Nai hiện đã xuất khẩu hàng hóa vào 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng vẫn lệ thuộc vào một số thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu. Cụ thể, thị trường Mỹ chiếm gần 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, Trung Quốc 11%, Nhật Bản 11%, châu Âu 7%... Vì vậy, nếu những nước trên có sự thay đổi về chính sách hoặc biến động về thị trường thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai.

Theo UBND tỉnh, kế hoạch năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt từ 21,7-21,9 tỷ USD, tăng 10-11% (2-2,2 tỷ USD) so với năm 2019, cao hơn so với mục tiêu cả nước từ 3-4%. Đồng Nai tiếp tục giữ vững vị trí một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định: “Hàng hóa của Đồng Nai đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn lệ thuộc vào một số thị trường nên mức độ rủi ro khá cao. Do đó, trong thời gian tới, các DN phải tìm cách tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu trải đều qua các quốc gia để khi một vài thị trường nào gặp khó khăn thì tình hình xuất khẩu chung sẽ ít bị ảnh hưởng”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa qua được xem là bài học đắt giá cho Đồng Nai. Bởi Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của tỉnh nên khi cuộc chiến thương mại diễn ra, hàng Trung Quốc bán sang Mỹ chịu thuế quá cao đã quay về sân nhà khiến mức độ cạnh tranh tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều DN Trung Quốc do mức thuế cao nên đã thu hẹp sản xuất, giảm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam. Hậu quả là các DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc bị “chựng” lại. Đây cũng là một trong những lý do khiến tăng trưởng xuất khẩu của Đồng Nai năm 2019 chậm lại và chỉ đạt hơn 7% (không đạt kế hoạch đề ra).

Bà Nguyễn Thị Yến Linh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Lovetex Industrial Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Lovetex Industrial chuyên sản xuất các loại phụ kiện cho ngành dệt may và 70% sản lượng được xuất khẩu sang nhiều nước, nhưng thị trường chính vẫn là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ. Hiện chúng tôi đang tìm cách tăng sản lượng xuất khẩu sang các nước để hạn chế lệ thuộc vào một vài đối tác lớn để sản xuất ổn định hơn”.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai gồm: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ - phụ tùng trong năm 2020. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Hầu hết các DN có vốn đầu tư nước ngoài lẫn trong nước đều nhận thức được những rủi ro trong việc hàng hóa chỉ tập trung vào một số thị trường. Do đó, nhiều DN đang nỗ lực trong tìm kiếm và mở ra những kênh tiêu thụ mới ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới như: Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, châu Phi, ASEAN...

* Đối mặt với nhiều rào cản

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2020, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với những khó khăn, tăng trưởng sẽ chậm lại. Điều này tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Năm 2019, Việt Nam “lội ngược dòng” trong xuất khẩu và trở thành quốc gia đứng trong tốp đầu toàn cầu về tăng trưởng kinh tế là do có được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và tạo ra được các bước đột phá trong phát triển kinh tế. Năm 2020, Việt Nam cũng như Đồng Nai muốn đạt mức tăng trưởng cao trong xuất khẩu thì phải vượt qua các rào cản, thách thức đặt ra.

Năm 2020, kế hoạch của Đồng Nai là 5 mặt hàng chủ lực sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 12,2 tỷ USD, chiếm gần 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực năm nay dự tính sẽ tăng thêm hơn 1 tỷ USD so với năm 2019.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho rằng, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do tốt hơn DN trong nước. Đơn cử, khi Việt Nam tiến hành đàm phán hiệp định nào là họ chủ động tìm hiểu thông tin và có sự chuẩn bị kỹ càng. Do đó, khi hiệp định ký kết và có hiệu lực, khối DN này nhanh chóng hưởng được các ưu đãi thuế quan trong khi khối DN trong nước phần lớn vẫn đang loay hoay.

“Những nước tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hầu hết đều “dựng” lên hàng rào kỹ thuật để khi thuế suất các mặt hàng nhập khẩu về 0% vẫn bảo hộ được hàng trong nước. Trong đó, ngoài đòi hỏi về chất lượng cao, còn phải đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt từ 60-80%” - ông Nguyện nói.

Sản xuất mặt hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (TP.Biên Hòa)

Hiện nay, do khá nhiều DN chuyển hướng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ nên nguồn nguyên liệu trong nước cho các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh như: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ... đã tăng, dẫn đến giảm được tỷ lệ nhập khẩu. Song một nghịch lý khác lại xảy ra là “đầu vào” cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ vẫn phải nhập khẩu lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Đơn cử nguyên liệu cho ngành may mặc là chỉ, vải, các phụ kiện hàng hóa nội địa đáp ứng 50-70% (tùy theo đơn hàng), song những công ty sản xuất chỉ, vải, phụ kiện trong nước lại phải nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài về để sản xuất. Ngành công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực cơ khí chế tạo phải nhập khẩu sắt thép thô 60-80%...

Ngoài ra, các DN còn liên tục đối mặt với nguy cơ từ những vụ điều tra về phòng vệ thương mại của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Ấn Độ... Riêng năm 2019, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã đối mặt với gần 200 vụ điều tra của 19 quốc gia, vùng lãnh thổ.

* Lợi thế nào cho Đồng Nai?

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4 ngàn DN tham gia xuất nhập khẩu. Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh khá đa dạng với hơn 50 nhóm hàng, trong đó số DN có uy tín, chất lượng đảm bảo và có thể làm được các đơn hàng khó trong thời gian ngắn chiếm tỷ lệ khá cao.

Ông Nguyễn Phú Cường, quản lý xuất nhập khẩu Công ty cổ phần chỉ sợi cao su V.R.G Sado ở Khu công nghiệp Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cho biết: “V.R.G Sado chuyên sản xuất phụ liệu cho ngành may mặc, sản phẩm làm ra chủ yếu cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của công ty thời gian qua tăng khá cao vì giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu của khách hàng. Năm nay, ngoài tăng thị phần tại thị trường nội địa, công ty dự tính sẽ mở rộng xuất khẩu”.

Năm 2020, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai dự tính đạt mức tăng trưởng cao vì nhiều DN đã ký hợp đồng cung ứng đến giữa và cuối năm. Nhiều đơn hàng lớn về dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ... vẫn có xu hướng dồn về Việt Nam, trong đó có Đồng Nai.

Ông Bang Jin Woo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Khu công nghiệp Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) nói: “Công ty đã đầu tư 100 triệu USD xây dựng thêm nhà máy sản xuất giày tại Khu công nghiệp Tân Phú, dự định trong tháng 3-2020 sẽ hoàn thành và bắt đầu sản xuất. Mục tiêu của công ty là tăng sản lượng đáp ứng các đơn hàng lớn đã nhận được đến đầu năm sau”.

Ngay từ đầu năm, các DN đã nỗ lực trong tìm kiếm các đơn hàng và thị trường mới để mở rộng sản xuất kinh doanh, đạt kế hoạch đã đề ra.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/tang-toc-xuat-khau-cac-mat-hang-chu-luc-2987898/