Tăng tốc xoay trục, Nga kỳ vọng gì ở 'trò chơi năng lượng' tại châu Á?

Lần lượt các sự kiện diễn ra trong tháng Chín như Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) thường niên ở Vladivostok, Nga và Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan đã thu hút sự chú ý của dư luận về những nỗ lực của Nga nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào phương Tây.

Chính sách “Xoay trục sang châu Á” của Nga - một nhiệm vụ hầu như chưa được hoàn thành của Điện Kremlin, đã được thúc đẩy bởi các sáng kiến thuộc hai diễn đàn nói trên.

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, “các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương nổi lên như những trung tâm mới về tăng trưởng kinh tế và công nghệ” và Nga cần hướng đến châu Á-Thái Bình Dương để tạo ra một động lực kinh tế mới trong nước và một phương án thay thế cho sự phụ thuộc của Nga vào châu Âu và Mỹ trong một số lĩnh vực.

Đồng thời, châu Á đã trở thành cái nôi “của những trung tâm quyền lực mới” trên thế giới, nơi Moscow tìm kiếm sự tôn trọng về chủ quyền, các giá trị và lợi ích quốc gia.

Để chuyển đổi hoàn toàn đất nước thành một cường quốc Âu-Á chính thức và hỗ trợ các mục tiêu chiến lược hiện tại, các nguồn năng lượng của Nga đóng một vai trò quan trọng.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra từ 15-16/9 tại Uzbekistan. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra từ 15-16/9 tại Uzbekistan. (Nguồn: AFP)

Loay hoay đối phó với "đòn trừng phạt"

Hiện đã hơn 7 tháng sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Nga đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại. Điều này khiến sự can dự của Nga đối với châu Á càng trở nên cấp thiết.

Chính sách Xoay trục sang phía Đông không phải là một chiến lược hoàn toàn mới, nhưng mối quan hệ ngày càng xấu đi của Nga với phương Tây, đặc biệt ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine, là căn nguyên của sự tăng tốc xoay trục hiện nay.

Mặc dù chiến lược trừng phạt của phương Tây dường như không phá vỡ quyết tâm của Điện Kremlin ở Ukraine, nhưng chiến lược này cũng đã bắt đầu làm kiệt quệ thặng dư ngân sách của Nga, vốn được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao.

Ngay cả khi ông Putin lên án “đòn kinh tế” của phương Tây là một thất bại, thì rõ ràng các nhà chức trách của Nga đã được kêu gọi duy trì sự ổn định trong nước bằng cách giữ cho nền kinh tế tiếp tục vận hành. Tất cả những vấn đề quan trọng này cần phải được kiểm soát ngay từ bây giờ và cho đến cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới vào năm 2024. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp năng lượng của Nga được cho là đóng vai trò hàng đầu trong việc ổn định kinh tế.

Lĩnh vực khí đốt vẫn đóng góp từ 30-40% ngân sách, trong khi các lĩnh vực khác phải vật lộn khi đối mặt với các "đòn trừng phạt". Nhưng dù thặng dư thương mại đã lập một con số kỷ lục kể từ tháng 3/2022, biên lợi nhuận đã giảm dần vào mùa Hè này.

Trong tháng Tám, doanh thu từ khí đốt ghi nhận kết quả kém nhất trong 14 tháng qua. Kết quả tiêu cực, vốn bị ảnh hưởng bởi các quy tắc tài chính của Nga, đã tiết lộ các xu hướng đáng lo ngại hiện nay đối với việc hạn chế về các nguồn tài chính có sẵn của Điện Kremlin.

Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ Nga có kế hoạch áp dụng các loại thuế mới đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu khí với mục đích là để thu 1.400 tỷ Ruble (khoảng 23 tỷ USD) từ các nhà xuất khẩu hàng hóa vào năm 2023, trong đó dường như các “gã khổng lồ” năng lượng của Nga phải chi trả các khoản thuế năng lượng.

Trung Quốc là đối tác chính của chính sách xoay trục

Trong một lưu ý tích cực, Nga đã có thể giảm mức chiết khấu áp dụng đối với dầu thô Urals so với dầu Brent từ 30-40 USD trong mùa Xuân năm 2022 xuống còn khoảng 18-25 USD. Đây là một yếu tố quan trọng để giảm dần xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu trước khi thực hiện một lệnh cấm vận mạnh mẽ trong những tháng tới.

Tại thời điểm này, sự nhất quán và độ tin cậy của khách hàng châu Á đối với các sản phẩm dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than của Nga là yếu tố quan trọng nhất cho phép nước này có không gian chiến lược để đối phó với các hành động của phương Tây.

Trung Quốc và Ấn Độ là những đối tác của Nga và dữ liệu cho thấy rất rõ ràng rằng các quốc gia này đang đảm bảo các nguồn thu liên tục cho Điện Kremlin do phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Năng lượng là chủ đề trọng tâm trong Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Samarkand vừa qua. Tổng thống Putin đã cam kết hỗ trợ các thành viên SCO khác trong việc giải quyết “các vấn đề về năng lượng và lương thực” do “sai lầm” của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, ngay cả khi giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng mạnh đến cán cân thương mại của Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bất ngờ “chỉ trích” công khai ông Putin khi tuyên bố rằng “thời đại ngày nay không phải là thời đại chiến tranh”. Nói rõ hơn, đây không phải là thời đại cho một cuộc chiến tranh năng lượng nguy hiểm ở châu Á.

Mặc dù Ấn Độ ngày càng trở nên quan trọng nhưng hiện tại, Trung Quốc mới là đối tác chính trong việc xoay trục năng lượng sang hướng Đông của Nga.

Kể từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã “trấn an” Nga bằng việc liên tục mua dầu, khí đốt, than và điện với tổng số tiền lên tới 43,68 tỷ USD. Nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Trung Quốc đã lần lượt tăng 17%, 52% và 6% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2022 so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng có thể còn lớn hơn do các chủ hàng Nga ngày càng có khả năng vận chuyển năng lượng sang châu Á bằng tàu biển.

Nga hiện nay cũng là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho Trung Quốc và trong năm 2022, tổng lượng xuất khẩu dự kiến đạt 17 tỷ m3, tăng 60% so với năm ngoái. Điều này có thể thực hiện được thông qua đường ống “Power of Siberia” (Sức mạnh Siberia), được đưa vào hoạt động vào năm 2019, đặc biệt sau khi hai tập đoàn Gazprom của Nga và CNPC của Trung Quốc đồng ý giải quyết các khoản thanh toán cho các lô hàng vận chuyển qua hệ thống đường ống này bằng đồng Ruble và đồng Nhân dân tệ trong thời gian diễn ra EEF.

Chỉ vài tuần trước khi diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine và trong Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình đã ký hợp đồng cung cấp 10 tỷ m3/năm nhằm cung cấp khí đốt từ khu vực Viễn Đông của Nga đến các tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc trong vòng 30 năm thông qua việc xây dựng một đường ống mới, được gọi là “Tuyến đường Viễn Đông”.

Tại Vladivostok, ông Putin thông báo rằng tập đoàn Gazprom của Nga và CNPC của Trung Quốc đã đồng ý về “tất cả các thông số chính” liên quan đến dự án “Power of Siberia 2”, có công suất 50 tỷ m3/năm, sẽ vận chuyển khí đốt đi qua Mông Cổ đến thị trường Trung Quốc.

Hướng đến một cuộc chiến năng lượng toàn diện?

Cuộc chiến năng lượng hiện nay giữa Nga và châu Âu chắc chắn đã đẩy nhanh những xu hướng kể trên. Như đã xảy ra trong quá khứ với cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, bất ổn địa chính trị gắn liền với một loạt thông báo liên quan đến sự phụ thuộc lẫn nhau về khí đốt ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số hoài nghi.

Đầu tiên, sự chậm trễ trong việc phát triển các mỏ khí đốt ngoài khơi Sakhalin, điều cần thiết để hiện thực hóa “Tuyến đường Viễn Đông”, đang ảnh hưởng đến khả năng cung cấp 50 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc vào năm 2025.

Trong khi đó, việc không có thỏa thuận thương mại giữa Gazprom và CNPC khiến dự án “Power of Siberia 2” vẫn chỉ là một tham vọng, chứ chưa thể trở thành hiện thực trong mục tiêu xoay trục sang châu Á của Nga.

Việc xây dựng dự án đường ống “Power of Siberia 2” sẽ đòi hỏi một thời gian dài và nguồn lực kinh tế và tài chính to lớn - và do đó sẽ cần sự hỗ trợ chính trị không ngừng của tất cả các bên.

Cuối cùng, vấn đề chính trị hóa thương mại khí đốt tự nhiên trong địa chính trị toàn cầu ngày nay đang gây ra những tác động đối với chiến lược và chính sách của các nhà nhập khẩu khí đốt lớn. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc đang giảm và điều này phần lớn là do giá cả leo thang. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chiến lược khí đốt dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nga đang tận dụng sự biến động thị trường hiện tại và bất ổn chính trị và Điện Kremlin có nhiều cách để tác động đến việc sắp xếp lại trật tự năng lượng toàn cầu. (Nguồn: Reuters)

Thời gian không còn nhiều khi mùa Đông ở Bắc Bán Cầu đang đến gần và các chính phủ phải gồng mình gánh chịu tác động của cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây.

Tổng thống Putin đã trực tiếp đề cập đến việc các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang tìm cách áp mức trần giá dầu bằng cách tuyên bố rằng trong trường hợp các quyết định chính trị mâu thuẫn với các hợp đồng hiện có, Nga sẽ “không cung cấp bất cứ thứ gì”. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy dự định xoay trục xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Á.

Việc áp trần giá dầu đang được các bên thảo luận và quyết định sẽ được đưa ra trước khi bắt đầu lệnh cấm vào tháng 12 tới. Để tối đa hóa sức ép lên Nga, phương Tây cần phải lôi kéo sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng điều này là không thể chắc chắn.

Nga đang tận dụng sự biến động thị trường hiện tại và bất ổn chính trị và Điện Kremlin có nhiều cách để tác động đến việc sắp xếp lại trật tự năng lượng toàn cầu. Nga có thể chọn chỉ phân bổ khối lượng khan hiếm cho những “quốc gia thân thiện” và các công ty sẵn sàng trả giá – nhưng vẫn được chiết khấu nếu so với kịch bản giá cả trên thị trường toàn cầu khi không có nguồn cung từ Nga và không có đủ công suất dự phòng để cân bằng nhu cầu.

Mặt khác, liên minh Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) với Saudi Arabia đã khuyến khích Nga điều phối các lựa chọn chính sách với các nhà sản xuất khác.

Bằng cách giảm sản lượng dầu trong tháng 10 để duy trì giá cao hơn, liên minh này đã thể hiện một sự thống nhất chính trị rõ ràng, điều mà phương Tây nên tìm cách giải quyết nếu thật sự nghiêm túc với việc áp trần giá dầu. Nếu không, một quyết định đơn phương của phương Tây sẽ kích hoạt môi trường giá dầu cao hơn trên quy mô toàn cầu.

Hậu quả của một cuộc chiến tranh năng lượng phần lớn là không thể đoán trước. Việc mở rộng ranh giới của cuộc chiến kinh tế giữa phương Tây và Nga có thể sẽ liên quan đến việc các quốc gia khác, bao gồm cả những quốc gia ở châu Á, quan tâm đến việc xoay trục của Nga.

(theo The Diplomat)

Khắc Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tang-toc-xoay-truc-nga-ky-vong-gi-o-tro-choi-nang-luong-tai-chau-a-200062.html