Tăng tốc phát triển xe buýt nhanh

Với tốc độ tăng trưởng ô tô bình quân trên địa bàn hiện đã là 12,3%/năm; tốc độ tăng trưởng mô tô bình quân 10,5%/năm, ước tính chỉ sau 5 năm, số lượng phương tiện tăng thêm khoảng 2 lần khiến bài toán giao thông đô thị của Đà Nẵng không hề đơn giản trong tương lai gần.

Nhiều thành phố lớn trên thế giới sử dụng xe buýt nhanh

Đòn bẩy cho giao thông công cộng hiện đại

Để giải quyết bài toán đó, Đà Nẵng quyết định sẽ xây dựng các tuyến xe buýt nhanh (BRT). Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến cho biết, thúc đẩy sự phát triển BRT vừa để Đà Nẵng phát triển hiện đại, văn minh vừa hạn chế ách tắc, giảm thiểu TNGT, đồng thời là đòn bẩy để phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại như tàu điện, metro...

Từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ phát triển 2 tuyến BRT, 3 tuyến xe buýt có dịch vụ tiêu chuẩn hoạt động theo BRT với 371 đầu xe. Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, BRT sẽ được chạy ưu tiên trên các tuyến đường có mặt cắt ngang lớn (>48m) như đường Điện Biên Phủ, Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến và Trần Đại Nghĩa còn các tuyến đường nhỏ hơn phải sử dụng hỗn hợp với các phương tiện khác. Các nhà ga được bố trí trên 1 làn đường nằm hai bên dải phân cách giữa, các phương tiện giao thông khác không được đi vào. Thời gian BRT vận hành từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Tại các điểm dừng sẽ có các phương án đảm bảo an toàn cho người đi bộ, có thể sử dụng đèn tín hiệu cho người đi bộ và sẽ làm cầu vượt cho người đi bộ ở những nút giao thông có lưu lượng lớn. Xe buýt mở cửa được hai bên với tần suất chạy 4-5 phút/chuyến vào giờ cao điểm và sử dụng hệ thống quản lý và điều hành BRT thông minh.

Sử dụng xe nhỏ phù hợp với Đà Nẵng

Trước mắt, sẽ nâng cấp 5 tuyến buýt cũ đang vận hành thành xe buýt nhanh, sau đó sẽ mở thêm các tuyến mới. Hệ thống BRT sẽ nghiên cứu sử dụng loại xe B40 (loại xe nhỏ 40 chỗ) để phù hợp với giao thông Đà Nẵng. Tuy nhiên thời gian đầu, xe buýt BRT vẫn chạy trên làn đường hỗn hợp, sau đó sẽ xem xét kỹ lưỡng rồi mới tách ra. UBND thành phố giao Sở Nội vụ và Sở GTVT thành lập Công ty Quản lý xe buýt.

Đà Nẵng sẽ xây dựng tuyến buýt BRT theo lộ trình bắt đầu từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đi qua các tuyến đường tại khu vực trung tâm thành phố gồm: Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Văn Linh - cầu Rồng - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa và điểm kết thúc tại khu vực trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Việt - Hàn. Chiều dài tuyến này là 23,7 km với các trạm dừng đón, trả khách trên tuyến và 2 nhà ga tại đầu tuyến, cuối tuyến. Tuyến số 2 từ cầu Sông Hàn - cầu Hòa Xuân - đường Trần Đại Nghĩa dài 19,7km.

Mục tiêu của Đà Nẵng đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng chiếm 15% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó xe buýt chiếm 9%, xe buýt nhanh: 3% và taxi: 3%. Đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng chiếm 20%, trong đó xe buýt chiếm 12%, xe buýt nhanh: 5% và taxi: 3%.

Dương Hằng Nga

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/kinh-te/van-tai/201305/Tang-toc-phat-trien-xe-buyt-nhanh-303966/