Tăng tốc phát triển logistics

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160 quốc gia về Chỉ số hoạt động logistics (chuỗi cung ứng liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng), xếp thứ 3 trong khối ASEAN. Với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 16 đến 20%, logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam đạt trên 530 tỷ USD. Ảnh: TTXVN

Dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam đạt trên 530 tỷ USD. Ảnh: TTXVN

Trên thực tế, chúng ta đang có lợi thế sở hữu hệ thống cảng biển được đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng hơn 100 nghìn tấn; có 70 đường bay quốc tế và nhiều tuyến đường cao tốc có tính kết nối cao, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội... Hạ tầng logistics tĩnh bao gồm các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại quan cũng gia tăng về số lượng và nâng cấp về công nghệ, đáp ứng tốt cho dịch vụ logistics.

Với 23.000 doanh nghiệp (DN) tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó, 3.000 doanh nghiệp có hoạt động logistics quốc tế, dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô khoảng 20 đến 22 tỷ USD/năm, lớn hơn nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển khi loại hình dịch vụ logistics phục vụ thương mại điện tử gia tăng mạnh mẽ.

Ngoài các chức năng chính gồm bảo quản, dán nhãn, đóng gói, chia tách, xử lý hàng hóa, chuẩn bị đơn đặt hàng, các trung tâm logistics đang chuyển sang ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa, theo dõi, truy xuất vị trí như: Gemadept, TBS, Tân Cảng Sài Gòn, Transimex, Mapletree, Damco, DHL, Kerry Express, Viettel Post... Một số trung tâm logistics chuyên dùng được tự động hóa gần như hoàn toàn như các trung tâm logistics của Samsung, Unilever, P&G, Vinamilk, Masan.

Tuy nhiên, hiện, cộng đồng DN Việt Nam đang phải sử dụng dịch vụ logistics với những chi phí rất cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. WB phân tích, tính theo tỷ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%. Chính điều này đang kéo giảm sức cạnh tranh của DN và đồng thời hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ việc các DN hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nhân lực (85,7% DN Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc).

Mặc dù, Việt Nam có những nỗ lực lớn trong đầu tư công vào hệ thống giao thông, song hạ tầng giao thông, cảng biển, các loại hình phương tiện chuyên chở vẫn chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu vào đường bộ hơn là các loại hình vận tải đa phương thức khác. Các chuyên gia quốc tế cũng khiến nghị, Việt Nam nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công, để chuyển dịch sang khu vực tư nhân. Cần thiết lập sự ưu tiên rõ ràng cho việc đầu tư thiết yếu, đó mới chính là chìa khóa để có hệ thống kết nối tốt hơn, tạo đà cho phát triển ngành logistics.

Trước cơ hội và thách thức phải vượt qua, thiết nghĩ, Chính phủ cần ban hành chính sách nhằm cắt giảm chi phí logistics, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ và phát triển kết cấu hạ tầng logistics, liên doanh với những DN nước ngoài uy tín nhằm thiết lập hệ thống dịch vụ logistics toàn cầu. Qua đó, xây dựng một hệ thống logistics hiện đại, sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.

Dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam đạt trên 530 tỷ USD. Đồng nghĩa với không gian phát triển ngành logistics nước ta còn rất lớn, đồng thời mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng logistics hiện đại, kết nối hiệu quả với khu vực và thế giới.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-toc-phat-trien-logistics/