Tăng tốc, nhưng vẫn thấp

Trong báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội, Bộ KH-ĐT cho biết, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Năm 2019, NSLĐ Việt Nam theo giá hiện hành đạt 110,5 triệu đồng/lao động (tương đương 4.792 USD/lao động).

Sản xuất hàng thể thao xuất khẩu vào EU tại Công ty Garmex Sài Gòn. Ảnh: MỸ HẠNH

Sản xuất hàng thể thao xuất khẩu vào EU tại Công ty Garmex Sài Gòn. Ảnh: MỸ HẠNH

Như vậy, tiêu chí này đã đạt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21-2-2017 của Chính phủ (tăng trên 5,5%). Đây là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020. NSLĐ giai đoạn 2016-2020 ước tính tăng 26,2%; trong đó, NSLĐ nội ngành tăng 16,6%; năng suất do chuyển dịch cơ cấu ngành tăng 9,4%...

Tính ra, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019 cao hơn các nước ASEAN-6. Còn theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tăng bình quân 4,87%/năm. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2019 vẫn chỉ bằng 6,89% năng suất của Brunei; 7,6% của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia và 56,9% NSLĐ của Philippines. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước ASEAN-6.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo các chuyên gia kinh tế, với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và NSLĐ của Việt Nam với các nước trong thời gian qua tuy đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về mức NSLĐ so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ của chúng ta còn lạc hậu.

Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn ở mức thấp, cho thấy trình độ phát triển khoa học - công nghệ, ý thức tổ chức và quản lý trong sản xuất kinh doanh của lao động Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện đại. Ngoài ra, một số lượng lớn doanh nghiệp nội địa chưa kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia; còn quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn...

Để cải thiện tình hình, bên cạnh các giải pháp chung như tổ chức mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhất là từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn; cải cách khu vực tài chính ngân hàng… cần có thêm những “liều thuốc tăng lực” đặc hiệu cho từng khu vực kinh tế.

Chẳng hạn, với khu vực kinh tế tư nhân, đó là nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo. Với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đó là sự cởi mở nhưng có chọn lọc để có được các dự án tốt. Với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, cụ thể là với tiến trình cổ phần hóa, có thể “nhanh không bằng chắc”, và việc cổ phần hóa phải dựa trên nguyên tắc hiệu quả thực chất chứ không chạy theo số lượng, thành tích.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tang-toc-nhung-van-thap-690402.html