Tăng tốc nguồn vốn cho điện và quy hoạch vùng nuôi

Để giải bài toán về sử dụng điện hiệu quả trong ngành nuôi tôm, từ đó giảm chi phí, tăng suất sinh lợi trên một đơn vị diện tích canh tác, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên, trong đó ngành điện đóng vai trò dẫn dắt.

Cần tới gần 1.500 tỷ đồng để cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL. Ảnh: VGP/Đình Hoàng

Theo khảo sát của EVN SPC, 6 tháng đầu năm nay, điện thương phẩm cho nuôi tôm ở Sóc Trăng là 94,36 triệu kWh, so với cùng kỳ năm trước tăng 31,93%; tại Bạc Liêu là 60,82 triệu kWh, tăng 38,25%; Cà Mau là 73,6 triệu kWh, so với cùng kỳ năm trước tăng 16,82%... Trong khi đó, tỷ lệ áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong các mô hình nuôi tôm ở các tỉnh này mới chỉ đạt từ 35%-42%.

Qua số liệu khảo sát và đánh giá trên có thể thấy, nhu cầu về cung cấp điện cho nuôi tôm vẫn đang tăng rất mạnh hàng năm. Khả năng không đáp ứng cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm rất có thể xảy ra nếu không có những giải pháp quản lý hiệu quả, đồng thời thúc đẩy người dân sửng dụng tiết kiệm điện.

Tăng vốn cho đầu tư hệ thống điện

Vốn được xem là điều kiện “cần” đầu tiên trong quá trình đầu tư, cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế ở các vùng nuôi tôm. Để giải bài toán về vốn, ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVN SPC chia sẻ, qua khảo sát của EVN SPC, nhu cầu đầu tư để cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 6 tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang đến năm 2020 sẽ cần khoảng 1.500 tỷ đồng.

Cụ thể, khối lượng đầu tư sẽ gồm xây dựng mới và cải tạo 1.645 km đường dây trung thế; gần 3.085 km đường dây hạ thế; nâng cấp 2.708 trạm biến áp với dung lượng 91,9 MVA và xây dựng mới 2.011 trạm biến áp với dung lượng 91,4 MVA.

Trong khi đó, Tổng công ty mới cân đối và thu xếp được 876 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn với mục tiêu là chống quá tải, kết hợp cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm.

Đó là, sử dụng nguồn vốn vay WB đầu tư dung lượng các trạm biến áp 22kV là 99,9 MVA, tổng chiều dài đường dây 22kV là 599 km và đường dây hạ áp là 1.304 km tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau với tổng vốn đầu tư là 597 tỷ đồng.

Tổng công ty cũng huy động nguồn vốn tự có, đồng thời làm việc và phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố để ứng trước vốn của các tỉnh cho đầu tư hơn 348 km đường dây 22kV, gần 384 km đường dây hạ áp và 54,2 MVA dung lượng trạm biến áp với tổng vốn đầu tư là 279 tỷ đồng.

Trong năm 2017, EVNSPC đã đầu tư trên 303 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có để thực hiện đầu tư cấp điện phục vụ nuôi tôm, với tiêu chí ưu tiên các khu vực cấp bách có diện tích ao nuôi phát triển mạnh. Nhưng con số này vẫn không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện của người dân nuôi tôm.

Vì vậy, để có đủ nguồn vốn nói trên cho đầu tư, cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ đầu tư cả vùng ĐBSCL, EVN SPC đang cùng các địa phương và ban ngành khác tìm vốn từ nhiều nguồn khác nhau.

Trước mắt, để tiết kiệm điện cho người nuôi tôm, EVN SPC đã lựa chọn, giới thiệu cho các hộ những doanh nghiệp cung cấp các thiết bị điện, máy móc tốt, giá thành hợp lý, tiết kiệm điện và an toàn.

Cụ thể, Tổng công ty đã làm việc và ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Chế tạo máy điện Việt Nam-Hungary (Vihem), một thương hiệu lớn về sản xuất, chế tạo và sửa chữa động cơ điện hiệu suất cao trên thị trường để xúc tiến giới thiệu thiết bị đến người sử dụng. Qua đánh giá kỹ thuật cho thấy, động cơ điện của Vihem có khả năng tiết kiệm cao hơn so với loại động cơ cũ khoảng từ 18-20% và có thể sử dụng để hỗ trợ hộ nuôi tôm trong thời gian tới.

Vì vậy, để có đủ nguồn vốn nói trên cho đầu tư, cải tạo và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm của cả khu vực ĐBSCL, không chỉ EVNSPC nỗ lực mà cần có sự đồng hành của các địa phương, các ban ngành có giải pháp hỗ trợ để tìm,huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau.

Đồng thời, để tiết kiệm điện trong nuôi tôm, rất cần hộ nuôi tôm phải lựa chọn các thiết bị điện, máy móc hiệu suất cao có dán nhãn tiết kiệm năng lượng được cung cấp từ những thương hiệu tốt, uy tín để đầu tư công suất thiết bị phù hợp và chi phí hợp lý, cùng góp phần tiết kiệm tiết kiệm điện và an toàn điện trong quá trình sử dụng.

Với vai trò hỗ trợ, thời gian qua EVNSPC đã đồng hành cùng bà con nông dân nuôi tôm nghiên cứu áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, triển khai truyền thông đến các hộ nuôi tôm; cụ thể giải pháp "Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm"là giải pháp đã được công nhận sáng kiến vì cộng đồng và thử nghiệm thực tế trong năm 2017, với 161 hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng được ngành điện hỗ trợ thực hiện giải pháp, lượng điện tiết kiệm được hơn 1.450.000 kWh/năm, tương đương gần 2,5 tỉ đồng.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/tang-toc-nguon-von-cho-dien-va-quy-hoach-vung-nuoi/351328.vgp