Tăng tốc mua hàng, Trung Quốc vẫn 'vỡ trận' trước cam kết thương mại với Mỹ

Dù Trung Quốc tăng sức mua hàng hóa của Mỹ, Bắc Kinh vẫn khó hoàn thành cam kết mua hàng theo thỏa thuận giai đoạn 1 trước bầu cử Mỹ.

Phân tích của SCMP về dữ liệu hải quan của Mỹ trong tháng 8 cho thấy số hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu theo thỏa thuận được ký hồi tháng 1 tăng 25% so với tháng 6.

Mức tăng này khá khiếm tốn khi doanh số bán ngô Mỹ sang Trung Quốc tăng 513% trong tháng 8 so với tháng 6. Doanh số bán đậu tương tăng 432% và doanh số bán xe tăng 97%.

Dù vậy, các con số này cho thấy cả hai bên đường như vẫn quan tâm tới việc giữ cho thỏa thuận thương mại tồn tại vì nó là lĩnh vực duy nhất mà Mỹ và Trung Quốc tích cực hợp tác.

Một máy gặt đập liên hợp thu hoạch đậu nành ở bang Illinois, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)

Một máy gặt đập liên hợp thu hoạch đậu nành ở bang Illinois, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)

“Có vẻ như Trung Quốc đang hành động một cách có thiện chí đối với việc mua nông sản. Nhưng điều này cũng có thể phản ánh những cân nhắc chiến lược trong bối cảnh về an ninh lương thực và áp lực lạm phát lương thực dai dẳng”, ông Nick Marro, chuyên gia của The Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đậu nành Trung Quốc mua của Mỹ tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Mức mua thịt lợn tăng 134% và ngô tăng 50%.

Tuy nhiên, bất chấp việc chi tiêu mạnh tay trong những tháng hè, Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Thỏa thuận này quy định Trung Quốc phải tăng mua 200 tỷ USD so với năm 2017. Bắc Kinh vẫn còn cách khá xa con số này.

“Khi 2/3 năm đã qua đi, Trung Quốc mua ít hơn 1/3 số hàng hóa của Mỹ theo như ông Trump yêu cầu trong năm nay”, Chad Bown - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho hay.

Theo ông Bown, mức mua hàng hóa có tên trong thỏa thuận 1 của Trung Quốc mới chỉ đạt 47,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Trong khi mục tiêu hàng năm phải đạt 95,1 tỷ USD.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, dù sức mua tăng gần đây, Trung Quốc mới chỉ đạt 43% mục tiêu cho đến tháng 8. Với sản phẩm chế tạo, Bắc Kinh chỉ đáp ứng 60% mục tiêu. Con số này với các sản phẩm năng lượng là 27%.

“Một cam kết rõ ràng và giữ nguyên thỏa thuận, bất chấp việc Trung Quốc mua hàng chậm tiến độ có thể được thiết kế để hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong thời kỳ chuẩn bị cho bầu cử Mỹ. Đáng chú ý, cũng không có những đề cập cụ thể nào về thuế quan như một phần của nhiệm kỳ thứ 2 (của ông Trump) dù chúng là trọng tâm trong việc thực thi chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên”, các nhà phân tích của Panjiva Research cho hay.

Một số chuyên gia nhận định, khi cuộc bầu cử Mỹ đang tới gần, việc Trung Quốc không thể đáp ứng cam kết của họ có thể sẽ đẩy thỏa thuận giai đoạn 1 vào giai đoạn khó khăn hơn, ngay cả khi các bang thuộc Vành đai Nông nghiệp được hưởng lợi khá lớn từ nó.

Theo ông Stephen Olson, một thành viên cấp cao tại Hinrich Foundation, nếu Tổng thống Trump tiếp tục tụt lại phía sau trong các cuộc thăm dò, ông có thể xem thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là vật hy sinh.

Kịch bản có thể xảy ra là chấm dứt thỏa thuận để củng cố quan điểm “cứng rắn” với Trung Quốc mà ông theo đuổi suốt nhiệm kỳ. Ngoài ra, ông Trump có thể tiếp tục dùng nó để xoáy sâu vào cáo buộc “yếu kém trước Trung Quốc” với đối thủ Joe Biden.

Ông Trump đang vượt trên ông Biden trong các cuộc thăm dò ý kiến ở một số bang nông nghiệp quan trọng như Illinois, North Carolina và Minnesota. Dù vậy ở bang chiến trường Iowa, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn đang bị đối thủ bỏ lại.

Song Hy (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tang-toc-mua-hang-trung-quoc-van-vo-tran-truoc-cam-ket-thuong-mai-voi-my-ar572006.html