Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư xây dựng những tháng cuối năm

Tính đến ngày 15/12, tốc độ giải ngân vốn đâu tư xây dựng cơ bản đạt 61,8%. Theo lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, kết quả này không cao nhưng cũng có sự chuyển biến vào những tháng cuối năm.

Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Quang Vinh.

Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Quang Vinh.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho hay: Trên cơ sở kiểm soát chi của gần 120.000 đơn vị dự toán trên toàn quốc, KBNN đã tổng hợp thống kê đầy đủ các nguyên nhân khách quan và chủ quan để báo cáo với Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ Tài chính đã tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP thúc đẩy phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2019.

“Qua theo dõi của KBNN, Nghị quyết này đã đi vào cuộc sống và đang có chuyển biến tích cực. Từ đó, KBNN dự báo đến 31/1/2020 - thời điểm thanh toán vốn đầu tư thuộc niên độ ngân sách năm 2019, sẽ giải ngân trên 88% vốn đầu tư xây dựng cơ bản - XDCB” , ông Nguyễn Quang Vinh nói.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN) cho biết thêm: Nếu như từ đầu năm đến tháng 9/2019, tiến độ giải ngân mới chỉ đạt 39% thì nhờ sự đồng hành, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, chỉ trong 3,5 tháng (từ tháng 9/2019 đến nay), tiến độ giải ngân đã tăng rõ rệt, chiếm 39% số giải ngân từ đầu năm đến ngày 15/12. Dự kiến đến ngày 31/1, tốc độ giải ngân sẽ đạt 88%, vượt 6% so với năm 2018.

Trước đó, theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn Ngân sách nhà nước nhìn chung trong 11 tháng năm 2019 còn chậm, đạt hơn 231.664 tỷ đồng, đạt gần 54% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt hơn 58% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2018 ước đạt gần 62% kế hoạch Thủ tướng giao).

Theo KBNN, vốn đầu tư công chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong trong tổng chi của xã hội. Vì vậy, việc chậm giải ngân sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng GDP cũng như làm giảm hiệu quả huy động và sử dụng vốn đầu tư công.

Vì vậy, với vai trò là cơ quan kiểm soát, thực hiện khâu cuối cùng để đưa nguồn vốn đến các dự án, công trình, KBNN đã kiểm soát, thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng. Thời hạn kiểm soát, thanh toán vốn của KBNN được giảm từ 7 ngày làm việc (kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định của chủ đầu tư) xuống còn tối đa là 4 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, KBNN tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của kho bạc. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc đơn giản hóa về hồ sơ thủ tục và tăng cường tính minh bạch trong công tác kiểm soát chi qua KBNN.
Đồng thời, KBNN thống nhất cơ chế quản lý, sử dụng và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại một văn bản quy phạm pháp luật, trong đó thống nhất về các hồ sơ thủ tục đối với tất cả các nguồn như: vốn ngân sách xã, vốn chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu chính phủ, vốn đầu tư các huyện nghèo...; hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ trong công tác kiểm soát chi NSNN để thống nhất quy trình thực hiện đối với tất cả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Năm đầu tiên kho bạc có thặng dư, nộp ngân sách 5.000 tỷ đồng

Liên quan tới công tác quản lý ngân quỹ, ông Nguyễn Quang Vinh cho hay: Điểm mới năm nay là KBNN đã hình thành duy nhất một tài khoản duy nhất. Vào cuối ngày, tất cả tiền gửi của KBNN nằm rải rác tại các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ về 0, tức là số dư chuyển hết về Ngân hàng Nhà nước. Việc chuyển về mang lại một số lợi ích như: hỗ trợ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Kết quả cụ thể là có nguồn ngân quỹ nhàn rỗi chủ động điều hành, KBNN đã tham mưu và Bộ Tài chính ban hành thông tư giảm chi phí tạm ứng tồn ngân cho ngân sách Trung ương (NSTW) cũng như ngân sách địa phương (NSĐP) từ 0,15%/tháng xuống còn 0,1%/tháng. Cùng với tiết kiệm lãi suất tạm ứng bội chi, tính sơ bộ, tiết kiệm này của kho bạc cho NSTW và NSĐP là trên 2.600 tỷ đồng. Đồng thời, KBNN dùng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi gửi có kỳ hạn ở các NHTM tạo nên thặng dư và đã nộp ngân sách nhà nước được 5.000 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-xay-dung-nhung-thang-cuoi-nam-20191221172547958.htm