''Tăng tốc'' dự án cao tốc trọng điểm quốc gia

Dồn sức cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là yêu cầu quyết liệt của Bộ Giao thông - Vận tải đối với các ban quản lý dự án, nhà thầu nhằm tăng tốc, hiện thực hóa mục tiêu đến cuối năm 2022 có thể thông tuyến. Các khó khăn, vướng mắc của từng dự án thành phần thuộc công trình trọng điểm quốc gia này cũng được Bộ Giao thông - Vận tải cùng các địa phương tháo gỡ ngay trên công trường…

Thi công hầm Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) thuộc tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45. Ảnh: Tuấn khải

Công trường sôi động

Hiện cả 5 gói thầu xây lắp của dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63,37km qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa đều đã ra quân thi công ngay sau kỳ nghỉ Tết. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long, đến nay, khối lượng thi công của dự án đạt 146,46 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ.

Tại gói thầu 11 đi qua địa phận huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa), ông Lê Doãn Bắc, Chỉ huy trưởng gói thầu số 11 (Tập đoàn Cường Thịnh Thi) cho biết, các nhà thầu đã huy động hơn 90 đầu máy, thiết bị và hơn 100 nhân lực tổ chức 8 mũi thi công nền đường, 4 mũi thi công cầu và 2 mũi thi công cấu kiện, tiến độ đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư.

Tương tự, tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98,35km qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, các nhà thầu cũng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi đồng loạt triển khai thi công. Trên công trường, dự án sôi động tiếng máy xe múc, khoan phá đá, xe vận chuyển đất đắp...

Ông Nguyễn Vũ Quý, Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian nghỉ Tết, ban và các đơn vị tư vấn, giám sát đã huy động 100% quân số trở lại công trường. Dự án hiện đã đạt khoảng 34% tiến độ, cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cũng đang được các ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Trên công trường gói thầu XL03, đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhiều trụ cầu đã hoàn thành phần mố, công nhân đang tiếp tục thi công phần thân…

Tháo gỡ khó khăn ngay trên hiện trường

Đến nay, cả 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công đều đạt tiến độ khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số đoạn tuyến chưa hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng. Như tại đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, đoạn qua tỉnh Ninh Bình mới bàn giao được 8,18/14,41km, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa bàn giao được 47,46/48,96km. Hoặc như đoạn Cam Lộ - La Sơn, tại khu vực phía Bắc và phía Nam cầu Tuần (địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế) chỉ còn vướng 4 hộ dân, song cũng ảnh hưởng đáng kể đến công tác thi công.

Ngoài mặt bằng, việc thiếu nguồn vật liệu đất đắp để phục vụ thi công cũng đang gây khó khăn cho các nhà thầu. Theo thống kê của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, khối lượng vật liệu đất đắp còn thiếu khoảng 1,6 triệu mét khối, đặc biệt là tại một số gói thầu như XL5, XL6, XL7 của đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn. Đây cũng là tình trạng chung tại đoạn tuyến Mai Sơn - quốc lộ 45. Đại diện nhà thầu dự án này cho biết, nguồn vật liệu như đất đắp, cát đắp khan hiếm do nhiều gói thầu cùng lúc xây dựng, trong khi các mỏ vật liệu có trong quy hoạch chưa được địa phương cấp phép.

Đối với đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo tính toán, nhu cầu đối với đất đắp nền khoảng 9 triệu mét khối. Ban quản lý dự án đã phối hợp với các nhà thầu khảo sát 17 mỏ đất đắp gần khu vực dự án đi qua nhưng sản lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu. Có 7 mỏ mới đấu giá nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để cung cấp vật liệu cho dự án theo quy định.

Đối với khó khăn về mặt bằng, đại diện các địa phương đều khẳng định quyết tâm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công nhằm đáp ứng tiến độ đề ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm khẳng định, tỉnh sẽ bàn giao đủ mặt bằng cho dự án trước ngày 15-3-2021. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cũng cam kết, địa phương sẽ bàn giao dứt điểm mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 3-2021…

Đối với mỏ vật liệu, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu các ban quản lý dự án rà soát lại hồ sơ thiết kế, kiểm điểm đơn vị tư vấn nếu có sai sót khi xác định vị trí mỏ, trữ lượng, quy mô... trong quá trình lập dự án; ưu tiên phương án đã được duyệt, trường hợp bất khả kháng phải có giải pháp thay thế song không được làm tăng kinh phí.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia nên không được phép sai sót trong quá trình thực hiện, phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Bộ cũng đã cụ thể hóa trách nhiệm từng chủ đầu tư, từng cá nhân trước công việc được giao. “Khối lượng công việc còn nhiều nên các đơn vị phải bám sát công trường, từng hạng mục để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/992375/tang-toc-du-an-cao-toc-trong-diem-quoc-gia