Tăng tốc để về đích đúng hạn

Tất cả 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 của TP Hà Nội đều đạt kế hoạch, trong đó có tám chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Ðó là điểm nhấn nổi bật của bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô năm nay và là bài học kinh nghiệm quan trọng về sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt để tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

May áo sơ-mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: PHẠM NGỌC

Tám chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, nhờ dự báo tốt tình hình, chủ động thực hiện các giải pháp, tất cả 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 của thành phố đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tám chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch, gồm: kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ lao động qua đào tạo, số trường công lập đạt chuẩn, tỷ lệ số dân nông thôn được cung cấp nước sạch, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.

Thu ngân sách của Hà Nội năm 2018 ước đạt 238,8 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán (tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017). Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2018 của thành phố ước thực hiện 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, đưa Hà Nội đứng đầu cả nước về lĩnh vực này. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, tăng 21,6% (kế hoạch là 7,5 đến 8%). Ðáng chú ý, ngành du lịch Thủ đô phát triển mạnh. Với việc đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm, dịch vụ như lễ hội văn hóa, ẩm thực tại khu vực không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tuyến buýt du lịch hai tầng; không gian bích họa phố Phùng Hưng; chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ"… đã thu hút khách du lịch đến Hà Nội trong năm 2018 đạt 26,04 triệu lượt người, tăng 9,3% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 5,74 triệu lượt, tăng 16%, về đích trước hai năm chỉ tiêu thu hút khách du lịch quốc tế (5,7 triệu lượt vào năm 2020).

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, những kết quả có được là nhờ thành phố đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, như thực hiện mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì thực hiện tất cả hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; triển khai diện rộng quy trình trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà, trụ sở... Ước tính năm 2018, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 25.742 doanh nghiệp với số vốn 280,1 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 255.280 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi ngân sách được thực hiện đúng quy định, tiếp tục tái cơ cấu các khoản chi theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển. Năm 2018, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 50,8% (năm 2016 còn 55,5%; năm 2017 còn 53,5%).

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục. Ðó là hiện tượng ùn ứ giao thông, úng ngập khi mưa to vẫn xảy ra, nhất là tại các tuyến phố có công trình đang thi công; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa kiên quyết; trật tự xây dựng đô thị có chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa vững chắc. Một số khoản thu ngân sách từ doanh nghiệp trung ương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khó đạt dự toán. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đã giảm và có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn khá cao. Công tác cải cách hành chính có chuyển biến rõ rệt, song việc quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa quyết liệt.

Cùng với việc tập trung khắc phục những hạn chế nêu trên, tại hội nghị Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16 tổ chức ngày 28-11, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ giải quyết vốn cho sản xuất, kinh doanh. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Ðẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ; tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch.

Năm 2019, thành phố phải hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu còn lại, đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường. Tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường sắt, đường vành đai. Tăng cường kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng theo quy hoạch; ngăn chặn hiệu quả tình trạng xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng, đất công. Triển khai xây dựng, hoàn thành một số nhà máy sử dụng nước mặt. Tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo lộ trình. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện tại các huyện Thanh Trì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, năm 2019 thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành. Yêu cầu cao này cũng chính là động lực để Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, là cơ sở để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2015 - 2020.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38414602-tang-toc-de-ve-dich-dung-han.html