Tăng tốc cải cách

Năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đứng ở vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo báo cáo thường niên PCI 2018 mới được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố.

Quảng Ninh đang hướng đến phát triển du lịch bốn mùa và đưa Hạ Long trở thành điểm đến hàng đầu châu Á. Ảnh: Bảo Hà

Quảng Ninh đang hướng đến phát triển du lịch bốn mùa và đưa Hạ Long trở thành điểm đến hàng đầu châu Á. Ảnh: Bảo Hà

Tín hiệu đáng mừng về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh của các địa phương trong năm vừa qua phải kể đến chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh, thành phố nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến, nổi bật nhất là giảm đáng kể việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp so với mấy năm trước.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy, Top 10 bảng xếp hạng PCI 2018 vẫn là các “gương mặt” cũ như: Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngay cả quán quân Quảng Ninh vẫn chỉ mới đạt 70,36/100 điểm kỳ vọng về cải cách hành chính để tăng năng lực cạnh tranh. Điều này chỉ ra, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để cải thiện năng lực cạnh tranh và dư địa cải cách vẫn còn nhiều.

Năm 2018 có tới 15,8% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết khác sau giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để có thể chính thức đi vào hoạt động. Đáng quan ngại là hiện tượng trên có xu hướng gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Sức ỳ về thủ tục hành chính còn thể hiện ở các con số: 34% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện; 30% doanh nghiệp phải chờ đợi để được nhận giấy chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy...

VCCI cũng chỉ ra các thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp dân doanh đang phải đối mặt là: Tìm kiếm khách hàng (60% doanh nghiệp); tìm kiếm nguồn vốn (37% doanh nghiệp) và những biến động thị trường (32% doanh nghiệp); tuyển dụng lao động (28% doanh nghiệp); tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh (27% doanh nghiệp) và biến động chính sách, pháp luật (23% doanh nghiệp).

Ngay cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mặc dù có những chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh, kiểm tra, nhưng họ vẫn gặp khó khăn trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Việc thông quan hàng nhập khẩu trung bình vẫn mất 2 ngày, trong khi thời gian thông quan hàng xuất khẩu tăng từ 1 lên 2 ngày trong năm 2018. Thủ tục hải quan vẫn là mối bận tâm lớn, khi 28% doanh nghiệp đánh giá lĩnh vực này gây phiền hà, tiếp đến là bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%).

Những hạn chế trên tạo ra một nghịch lý: Mặc dù niềm tin của doanh nghiệp ở mức cao, nhưng 8,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh trong năm 2019. Do vậy, chính quyền các địa phương cần sớm điều chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành, tìm ra những giải pháp để cải thiện hiệu quả hơn môi trường kinh doanh và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển.

Năm 2019, chính là thời điểm các địa phương “đụng” đến những khâu cải cách khó khăn, nan giải nhất trong lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh như đất đai, quy hoạch, thuế, hải quan. Vì vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức các cấp đang quyết định tốc độ cải cách và đường hướng phát triển trong thời gian tới của doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-toc-cai-cach/