Tăng tốc 'bày binh bố trận', chính quyền TT Trump sẵn sàng đòn giáng quân sự vào Iran?

Chính quyền Donald Trump được cho đang chuẩn bị các cơ sở pháp lý cho khả năng hành động quân sự tại Iran.

Tờ Washington Post đưa tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mở cánh cửa hiện thực hóa tất cả những bước đi pháp lý cần thiết cho việc tấn công Iran, từ việc kết nối Iran với al-Qeada cho tới tuyên bố của ông Trump rằng, hành động tấn công sẽ "không kéo dài" và liên quan tới bộ binh Mỹ.

Khi được hỏi về tính pháp lý cụ thể, giới quan chức cấp cao Mỹ đưa ra câu trả lời khá mơ hồ rằng, bất kỳ hành động nào cũng sẽ "phù hợp với Hiến pháp" – như những gì Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu vào tháng trước, hoặc đề nghị vấn đề sang cho các luật sư.

"Tôi không phải là học giả trong lĩnh vực này", Brian Hook, đại diện đặc biệt của Ngoại trưởng Pompeo về Iran, mới đây nói trước Ủy ban quân vụ hạ viện Mỹ.

Tổng thống Trump đã sẵn sàng để tấn công Iran? (ảnh: getty)

Tổng thống Trump đã sẵn sàng để tấn công Iran? (ảnh: getty)

Những quan ngại về khả năng Mỹ có hành động quân sự tại Iran không ngừng gia tăng kể từ khi Washington công bố thông tin tình báo rằng, Iran và các đồng minh đang lên kế hoạch tấn công quân đội Mỹ hoặc các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông. Mỹ cũng cáo buộc Tehran tấn công các tàu chở dầu gần Eo biển Hormuz. Gần đây hơn, Iran đã bắn hạ một thiết bị bay không người lái được cho là của Mỹ xuất hiện trong không phận nước này.

Ông Trump và các nhà lãnh đạo Iran đã liên tục công kích nhau kể từ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, tái áp dụng và leo thang trừng phạt Tehran, và mới đây nhất là khẳng định của Iran sẽ gia tăng lượng làm giàu uranium. Hôm thứ tư (3/7), Tổng thống Iran Hasan Rouhani tuyên bố, Cộng hòa Hồi giáo có thể làm giàu uranium ở "bất kỳ khối lượng nào". Đáp trả, Tổng thống Trump cảnh báo, những lời đe dọa của ông Rouhani "có thể sẽ quay lại tổn thương ông theo cách chưa ai từng làm trước đó".

Mặc dù ông Trump đã hủy bỏ lệnh tấn công Iran sau vụ máy bay không người lái bị bắn hạ, chính quyền Mỹ vẫn không ngừng chuẩn bị nền tảng pháp lý cho cuộc tấn công.

Ngoại trưởng Pompeo từng nhắc tới các mối quan hệ giữa Iran và tổ chức khủng bố al-Qaeda. Đây được coi là một cái cớ khá hợp lý để triển khai hành động quân sự chống lại Iran theo đạo luật Ủy quyền sử dụng quân đội (AUMF) - từng được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2001 nhằm đối phó với thủ phạm các vụ tấn công do al-Qeada gây ra vào năm đó. Từ AUMF, một năm sau, Quốc hội Mỹ đã thông qua một nghị quyết "bật đèn xanh" cho chiến dịch của quân đội nước này tại Iraq.

Tuy nhiên, động thái trên cũng vấp phải sự nghi ngờ từ ngay bên trong nội bộ chính quyền Mỹ. Washington Post cho rằng, giới chức quốc phòng trong những tuần gần đây đã triển khai các hành động bất thường, nhằm không bị "dính líu" tới các nhận định của ông Pompeo. Dường như họ lo lắng về một cuộc xung đột được đánh giá là sẽ kéo dài, tốn nhiều tiền và bất lợi cho lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Rebecca Rebarich, một phát ngôn viên Lầu Năm góc nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng Mỹ "không tin điều luật AUMF có thể được sử dụng để chống lại Iran".

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Mỹ Eliot Engel viết thư cho Quyền cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao, trong đó yêu cầu cung cấp "bất kỳ và tất cả phân tích pháp lý" liên quan tới "các hành động mà cơ quan hành pháp Mỹ có thể áp dụng đối với hoặc chống lại Iran".

Văn bản trả lời chỉ ra: "Chính quyền cho tới thời điểm này không coi AUMF là việc chấp thuận hành động quân sự chống lại Iran ngoại trừ đó có thể là điều cần thiết để bảo vệ Mỹ hoặc các đối tác trong các chiến dịch chống khủng bố hoặc các chiến dịch thiết lập một Iraq dân chủ và ổn định".

Trong mắt Đảng Dân chủ, phản ứng trên đồng nghĩa với việc mở ra cánh cửa để hợp lý hóa những quyết định tương tự trong tương lai. "Chúng tôi quan ngại khi chính quyền không khẳng định rằng, Quốc hội chưa chấp thuận chiến tranh với Iran", một nghị sỹ Dân chủ giấu tên nói.

Đáng lưu ý, liên tiếp ba chính quyền Mỹ đã trích dẫn đạo luật AUMF 2001 là nền tảng cho các hoạt động quân sự đối phó với các nhóm vũ trang tại Trung Đông, Nam-Trung Á và châu Phi.

Ngoai ra, một quyền hạn khác của Tổng thống Mỹ chính là Tổng tư lệnh của quân đội, phụ trách an ninh quốc gia. Chính điều này đã đem lại cho các đời Tổng thống trước và Bộ Tư pháp hiện tại "quyền năng" rộng lớn để thực hiện các hành động mà Quốc hội Mỹ không có nhiều khả năng kiềm chế.

Ngày 31/5/2018, chính quyền Trump đã "hiện thực hóa" quyền lực trên với đề xuất của Văn phòng Hội đồng tư pháp (OLC), Bộ Tư pháp - chấp thuận cuộc không kích hồi tháng 4/2018 của Mỹ vào các cơ sở bị cáo buộc là sản xuất vũ khí hóa học tại Syria.

Theo OLC, cuộc không kích là hợp pháp vì "Tổng thống đã quyết định chiến dịch này sẽ củng cố hơn nữa các lợi ích quốc gia quan trọng"; trong khi "tính chất, quy mô và thời gian của chiến dịch được giới hạn để không phát triển thành chiến tranh như trong hiến pháp quy định, vì vậy không cần phải được quốc hội thông qua trước".

Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước với Fox Business, Tổng thống Trump từng khẳng định: "Tôi không nói về lực lượng trên mặt đất, tôi không nói rằng chúng ta sẽ gửi đi hàng triệu binh lính. Tôi chỉ nói, nếu điều gì xảy ra, nó sẽ không kéo dài lâu".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tang-toc-bay-binh-bo-tran-chinh-quyen-trump-san-sang-don-giang-quan-su-vao-iran-2019070411222312.htm