Tăng tính kết nối, đồng bộ cho hệ thống thu phí không dừng

Việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) đã đạt được những bước tiến đáng kể thời gian qua. Trong đó, giai đoạn 2 của dự án ETC (BOO2) do Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và đối tác, đã đạt hơn 500.000 phương tiện dán thẻ ePass...

Khắc phục dứt điểm bất cập của hệ thống

Từ cuối năm 2020, VDTC đã đưa vào vận hành đồng loạt hệ thống ETC tại 35 trạm thu phí đường bộ trên cả nước, góp phần hoàn thành mục tiêu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn 4 tháng vận hành chính thức, đã có 520.000 phương tiện dán thẻ ePass để sử dụng dịch vụ của VDTC. Việc tăng nhanh số lượng phương tiện sử dụng ETC là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải (GTVT). Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC chia sẻ, là một thành viên của Tập đoàn Viettel, VDTC tham gia dự án BOO2 với tinh thần làm việc của người lính, quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, có những nơi như tại trạm thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn), ngày 18-12-2020 mới ký hợp đồng cung cấp dịch vụ ETC thì đến ngày 21-12-2020 đã hoàn thành, trước đó, công tác chuẩn bị đã được tiến hành, đáp ứng đầy đủ yêu cầu.

Trạm BOT cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) sử dụng dịch vụ thu phí không dừng do VDTC cung cấp. Ảnh: HƯƠNG NGUYỄN

Trạm BOT cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) sử dụng dịch vụ thu phí không dừng do VDTC cung cấp. Ảnh: HƯƠNG NGUYỄN

Lãnh đạo VDTC cho biết, các trạm thu phí lắp đặt ETC do công ty triển khai đều vượt chỉ số kỹ thuật theo yêu cầu đề ra. Đơn cử như tỷ lệ nhận diện biển số theo yêu cầu là 91% số phương tiện qua trạm, VDTC đã nâng lên đạt hơn 99%; tỷ lệ đọc thẻ là 98%, VDTC đạt gần 100%, các giao dịch được trừ tiền cũng đạt 100%. Điều này cho thấy, hệ thống do VDTC triển khai đã từng bước vận hành ổn định, bảo đảm độ tin cậy và chỉ tiêu kỹ thuật đề ra.

Thời gian qua, ePass ghi nhận một số sự cố phát sinh trong thực tế, ví dụ: Có phương tiện dán thẻ ePass của VDTC (thuộc dự án BOO2) không đi qua được các trạm do Công ty VETC (thuộc dự án BOO1) triển khai. Theo ông Bùi Trình, việc chưa nhận diện được một số phương tiện dán thẻ ePass do những yếu tố khách quan từ ngoại cảnh như thời tiết, đặc tính kỹ thuật của phương tiện, địa hình giao thông trước khi vào làn thu phí, hạn chế của giải pháp thu phí ở Việt Nam đang ở cấp độ 1 (các nước tiên tiến trên thế giới đang là cấp độ 4)... Các yếu tố này đều ảnh hưởng đến tín hiệu đọc thẻ giữa thiết bị nhận diện và phương tiện. “Vấn đề này có thể được khắc phục bằng công nghệ nhận diện biển số, giúp hệ thống thu thập đủ các thông tin để mở barie cho xe lưu thông qua trạm thu phí bình thường”, ông Bùi Trình cho biết thêm.

Để hỗ trợ khách hàng một cách triệt để, VDTC đã cử nhân viên có mặt trực tiếp tại một số trạm. VDTC cũng xây dựng các phần mềm để tăng tính kết nối với các trạm thu phí thuộc BOO1, trong đó có việc kiểm tra tài khoản, trừ tiền ngoại tuyến (offline) cho các xe sử dụng ví điện tử Viettel Pay, khắc phục lỗi các trạm của BOO1 không nhận diện được số dư tài khoản Viettel Pay. Quá trình vận hành không tránh khỏi những phát sinh trong thực tế, đòi hỏi hệ thống của cả hai nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục được hoàn thiện, hướng đến tạo thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông.

Nâng cao trách nhiệm các chủ thể và vai trò quản lý nhà nước

Hệ thống ETC về bản chất là áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin, viễn thông vào lĩnh vực giao thông đường bộ. Do vậy, để vận hành ổn định, tin cậy, thông suốt, hệ thống này cần được xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể, chi tiết, giúp đồng bộ hóa thiết bị và cần có hệ thống dự phòng đi kèm từ đường truyền dẫn, server (máy chủ) đến camera, thiết bị nhận diện...

Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC cho rằng, tạo thói quen cho người tham gia giao thông trong việc sử dụng hệ thống ETC cũng chính là xây dựng hệ sinh thái số trong ngành giao thông. Từ đó, không chỉ giúp phương tiện lưu thông thuận lợi mà còn giúp chính các cơ quan quản lý Nhà nước trong giám sát, điều hành và tạo động lực để phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

Trong hệ thống ETC có nhiều chủ thể cũng kết nối với nhau, trong đó có kết nối giữa các trạm BOT, giữa trạm BOT với nhà cung cấp dịch vụ ETC và giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Để bảo đảm tính kết nối thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn, cơ quan quản lý nhà nước cần có một trung tâm kiểm soát kết nối, giúp nhanh chóng phát hiện vướng mắc ở khâu nào và có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), các nhà cung cấp dịch vụ ETC cần xây dựng quy chế phối hợp để giải quyết vướng mắc, đây cũng là cơ sở để xử lý trách nhiệm giữa các bên liên quan. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có quy định rõ ràng về quản lý vận hành trạm thu phí không dừng. Bên cạnh đó, hiện đã phân làn riêng cho thu phí không dừng nhưng chưa xử phạt được xe không dán thẻ đi vào làn này. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ xây dựng quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác trạm thu phí không dừng. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai thu phí không dừng cho các tuyến cao tốc sau này.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-tinh-ket-noi-dong-bo-cho-he-thong-thu-phi-khong-dung-657605