Tăng tính cạnh tranh cho các mặt hàng chủ lực

Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quan tâm đến hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Đây chính là yếu tố quan trọng để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, khẳng định thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường.

Công nhân Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu đóng gói sản phẩm miến dong Bình Liêu.

Công nhân Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu đóng gói sản phẩm miến dong Bình Liêu.

Đồng chí Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng và dịch vụ của tỉnh, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Sở được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các dự án xây dựng thương hiệu nông nghiệp của tỉnh. Đến nay có 21 dự án xây dựng thương hiệu được triển khai. Trong đó có 5 nhãn hiệu tập thể: Na dai Đông Triều, nếp cái hoa vàng Đông Triều, mía tím Quảng Ninh, tôm thẻ chân trắng Móng Cái, vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí); 13 nhãn hiệu chứng nhận: Gà Tiên Yên, rau an toàn Quảng Yên, chè Đường Hoa, miến dong Bình Liêu, thanh long Uông Bí…; 3 chỉ dẫn địa lý: Chả mực Hạ Long, ngán Quảng Ninh, mai vàng Yên Tử.

Sở KH&CN tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 42/2016/NQ-HĐND về một số cơ chế tài chính khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020. Từ năm 2017 đến nay, đã triển khai 11 đợt hỗ trợ cho 224 lượt tổ chức, cá nhân của 12 huyện, thị xã, thành phố, tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh. Dự kiến đến hết ngày 30/12/2020 hỗ trợ thêm khoảng 690 triệu đồng cho 48 đối tượng trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước triển khai toàn diện, quy hoạch vùng sản xuất tập trung (vùng nguyên liệu), xây dựng và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho tổ chức, cá nhân theo quy trình tiên tiến, đảm bảo VSATTP; xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn bao bì sản phẩm; phát triển sản xuất và phát triển thị trường (các dự án của Bộ KH&CN chỉ thực hiện nội dung xác lập quyền để cấp văn bằng bảo hộ).

Chả mực Hạ Long là sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của tỉnh, các dự án xây dựng thương hiệu đã mang lại hiệu quả rõ nét, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nông dân đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất: Nông dân Uông Bí đầu tư trồng cây thanh long; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long đầu tư phát triển dự án rau an toàn Quảng Yên; Hợp tác xã Toàn Dân đầu tư phát triển cây ba kích tại Ba Chẽ… Đến nay nhiều sản phẩm xây dựng thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường, giá bán tăng và ổn định; một số sản phẩm được đăng ký bảo hộ nước ngoài.

Đại diện Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, huyện trong việc cấp nhãn hiệu chứng nhận miến dong Bình Liêu, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để sản phẩm miến dong có chất lượng cao và đồng đều hơn. Đến nay, sản phẩm miến dong Bình Liêu đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Thông qua hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã tạo phong trào thi đua sản xuất lan tỏa sâu rộng trong các tổ chức, cá nhân tại các địa phương, gắn với triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm hàng hóa của tỉnh”. Đây là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh vào năm 2015. Hiện có 28 sản phẩm OCOP của các địa phương được Sở KH&CN hướng dẫn, đăng ký bảo hộ.

Trúc Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202012/tang-tinh-canh-tranh-cho-cac-mat-hang-chu-luc-2512793/