Tang thương xóm chợ và nỗi đau mang tên đuối nước

Một vụ đuối nước thương tâm nữa vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai làm 3 học sinh mãi mãi ra đi khi đang trong lứa tuổi đến trường đầy ước mơ cháy bỏng.

Những con số thống kê về tình trạng đuối nước ở trẻ em trong thời gian vừa qua đã dấy lên hồi chuông về sự cần thiết phải có những biện pháp phòng tránh đuối nước kịp thời, căn cơ và lâu dài.

Khúc sông nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm.

Tang thương xóm Chợ

Nắng! Nóng! Rã rời! Mệt mỏi! Tang thương! Đó là cảnh tượng chúng tôi chứng kiến ở xóm Chợ (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai).

Cả xóm Chợ nhỏ cùng lúc có 3 đám tang. Lớp 9A, Trường THCS Lê Quý Đôn cùng lúc mất đi 3 học sinh ngoan hiền.

Thầy Trần Trung Cử - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn đau đớn bảo, cả 3 em Đào Hoàng Thanh Tính, Đào Minh Lâm và Trần Minh Lợi (cùng SN 2003) đều ngoan hiền, chịu khó học hành.

Khối lớp 9 học buổi sáng còn buổi chiều được nghỉ ở nhà. Chẳng hiểu sao khoảng 15h30 ngày 9/3, các em lại cùng nhau ra sông Ba, đoạn hạ du của Nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A và 3B (thuộc xã Ia Rsươm) để tắm.

Trong nhóm đi chơi chiều hôm đó có cả mấy bạn gái học chung lớp nhưng các em gái chỉ dạo chơi trên bờ.

“Khi phát hiện 3 bạn trai bị nước cuốn trôi, các bạn nữ đã gọi điện báo gia đình, nhà trường và chính quyền xã Ia Rsươm để tổ chức tìm kiếm ngay nhưng không có kết quả”, thầy Cử buồn bã cho hay.

Sau khi nhận được thông tin, người dân và lực lượng chức năng nhanh chóng tổ chức tìm kiếm các em. Đến đêm ngày 10/3, thi thể em Tính được tìm thấy ở sông Ba đoạn chảy qua buôn Lang (xã Chư Rcăm) cách vị trí nơi các em tắm rồi bị mất tích khoảng 3km.

Đến sáng ngày 11/3, thi thể em Lợi được tìm thấy ở dưới sông Ba đoạn thôn Quỳnh Phụ (xã Chư Rcăm) cách hiện trường hơn 500m. Tối cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể em Lâm ở nơi trước đó tìm thấy thi thể em Tính.

Trong ngày 12/3, chính quyền đã cùng với nhà trường, gia đình và người dân địa phương đau đớn tiễn đưa 3 học sinh bị nạn về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ chưa đầy 20m2 xây gạch loang màu đỏ chưa được tô trát của gia đình, chị Lê Thị Hướng (mẹ em Lợi) ngã quỵ xuống không còn sức để khóc nữa.

“Nhà mình nghèo. Cha mẹ phải chật vật chạy lo kiếm cơm. Đâu có nhiều thời gian chăm sóc con nữa. Lợi ơi!”, chị Hướng đau đớn khóc ngất.

Cách nhà chị Hướng một đoạn, nhà anh Đào Văn Ngà (cha em Tính) cũng chìm trong tang thương. Người cha này liên tục gào khóc gọi tên con. “Con ơi là con, sao con bỏ cha mẹ mà đi vậy. Rồi đây cha mẹ phải sống ra sao?”, anh Ngà gào khóc.

Ông Chu Sỹ Vương - Bí thư Đảng ủy xã Ia Rsươm, cho biết: “Trong những ngày qua vì vật vã tìm kiếm các em ở ngoài bờ sông Ba nên gần như người nhà các em đều mệt mỏi không còn sức lực nữa.

Gia đình các em đều có hoàn cảnh khó khăn nên ngay sau sự việc chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và bà con lối xóm đã đến chia sẻ đau thương, chung tay hỗ trợ gia đình các em”.

Đuối nước ở trẻ em, trách nhiệm người lớn

Trẻ em đuối nước là cái chết thương tâm, xót xa, không đáng có, trong đó có phần trách nhiệm của người lớn. Những cảnh báo chưa đủ sức ngăn cản tính tò mò, hiếu kỳ, sự ham chơi của con trẻ. Trước đây, khi niềm tin vào thế lực siêu nhiên, ma quỷ còn nặng nề, những người ở quê muốn cấm kỵ trẻ con việc gì thì gắn với chữ “không nên” bao hàm yếu tố tâm linh.

Không nên cho trẻ con cầm dao, không nên để trẻ soi mặt xuống giếng, không nên trèo cây cao (vì có quỷ thần), không nêm tắm đoạn sông sâu (vì có Hà Bá)... Bây giờ nghiệm lại, thấy những ngăn cấm ấy đều bao hàm ý nghĩa nhân văn sâu xa.

Khi chúng tôi đến khu vực sông Ba nơi các em đuối nước thì không thấy biển cảnh báo nào. Nếu chỉ cần vài tấm biển nói rõ, cảnh báo nguy hiểm, chắc chắn các em muốn bước chân xuống nước sẽ ngần ngại hơn, trong nhóm cũng sẽ có bạn chờn chợn can ngăn.

Muốn cắm tấm biển như thế, trách nhiệm phải của chính quyền địa phương. Song để các em không bước chân xuống nơi nguy hiểm thì cần cả gia đình và nhà trường, nhất là các thầy, cô giáo chủ nhiệm.

Chúng ta đang phát động trong nhà trường dạy bơi cho học sinh, việc đó là cần thiết. Nhưng để tất cả học sinh nước ta, trong đó có tỉnh Gia Lai đều biết bơi, rớt xuống nước không chết đuối thì chưa rõ đến bao giờ đạt được.

Bởi cơ sở vật chất ở đâu để trường xây hồ bơi, rồi biết bơi trong hồ nhưng ra ngoài sông, ngoài suối, ngoài hố nước, ao hồ lại khác xa. Không khéo lại chết đuối vì tính thể hiện, vì chủ quan của con trẻ.

Ngay cả những ngư dân sống bằng nghề chài lưới mà khi lật thuyền, khi rơi xuống sông, xuống hồ còn chết nữa là.

Thiết nghĩ, đã đến lúc tất cả các địa phương trong tỉnh Gia Lai và các tỉnh, thành trong cả nước phải rà soát lại toàn bộ những bến sông, đoạn suối, những hố nước, ao, hồ xem chỗ nào có nguy cơ bước chân xuống mà bị đuối nước thì phải cắm biển cảnh báo.

Có như thế mới mong hạn chế tối đa những cái chết thương tâm do đuối nước. Ông Tô Văn Chánh - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết: “Việc tuyên truyền phòng, chống đuối nước năm nào huyện cũng chỉ đạo làm gắt gao đến từng trường học.

Tuy nhiên, để có hiệu quả thì phải có trách nhiệm của gia đình, ý thức của từng em. Sắp tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo đặt biển báo dọc tuyến sông Ba ở những nơi nguy hiểm. Đồng thời, chỉ đạo tuyên truyền đến từng gia đình không cho con nhỏ ra sông Ba tắm”.

Nhuận Oanh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/tang-thuong-xom-cho-va-noi-dau-mang-ten-duoi-nuoc-d65707.html