Tang thương sau lũ dữ

Ngày 13-10, rạp đám tang của bà Tôn Nữ Thị Minh Hiếu (SN 1964) và con trai Nguyễn Văn Tâm (SN 1993; cùng ngụ khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được người thân dựng lên vội vàng.

Ông Bảo Sáu (em ruột bà Hiếu) lặng lẽ đưa hương cho người đến viếng. Ông Sáu kể bà Hiếu có 2 người con, con trai đầu đã có vợ và sống ở TP Đà Nẵng. Anh Tâm là con trai thứ 2 đang làm nghề lái taxi và ở cùng, phụ mẹ bán hàng tạp hóa.

Ba tháng trước, nhà bà Hiếu bỗng bị chập điện và bốc cháy dữ dội. Bà suýt chết, được bà con kéo nhanh ra ngoài trước khi cả căn nhà đổ sập. Người thân cùng chính quyền hỗ trợ bà Hiếu 35 triệu đồng dựng lên căn nhà tạm bằng sắt ngay trên nền đất nhà cũ. Nào ngờ, chính ngôi nhà tạm toàn mái tôn, khung sắt đã gián tiếp khiến mẹ con bà Hiếu ra đi mãi mãi.

Những ngày qua, do mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao đã tràn vào nhà dân, ngập gần 30 cm. Khoảng 4 giờ ngày 12-10, trời mưa to, điện bị rò rỉ nên chạm vào tôn và sắt trong nhà. Khi anh Tâm dậy mở cửa thì bị điện giật ngã sấp xuống nền đất. "Chị Hiếu đang nằm ngủ gần đó, thấy con trai ngã nên ngồi dậy đỡ. Nhưng khi chị Hiếu bước xuống giường thì cũng bị điện giật và ngã luôn ra nền nhà" - ông Sáu kể.

Ông Bảo Sáu khóc ngất bên linh cữu chị gái và cháu ruột

Ông Bảo Sáu khóc ngất bên linh cữu chị gái và cháu ruột

Phát hiện mẹ con bà Hiếu gặp nạn, người dân xung quanh liền đặt 2 người lên ghe, rồi đẩy ra đường lớn đưa đi cấp cứu. Khi đến nơi, bác sĩ đã lắc đầu.

Cách nhà bà Hiếu không xa, người dân thôn Triều Châu (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của cháu Hứa Đại Công (SN 2005) và cháu Hứa Thị Kiều Vy (SN 2007).

Do mưa lũ khiến phần đất ven đường bị rút sạch, cháu Hứa Thị Kiều Vy không phân biệt được mép nước nên bước hụt chân, chới với. Cháu Công vì cố gắng cứu Vy nên kiệt sức, cả hai bị dòng nước lũ nhấn chìm.

"Nước lũ chảy xiết, ngập hơn 1 m. Ở dưới ruộng, nơi 2 cháu ngã xuống thì nước ngập quá đầu. Nghe tin, cả nhà liền lội nước chạy ra nhưng 2 cháu đã đi mãi mãi" - ông Trần Văn Lắm, cậu ruột của cháu Công, cho biết.

Kiều Vy và Đại Công là anh em họ, nhà đối diện nhau. Ngày 13-10, người dân thôn Triều Châu lầm lũi lội nước, mang hương đèn đến viếng. Cả thôn đều u buồn; tiếng khóc nấc của anh, chị, em và họ hàng vang lên, tiếc thương cho 2 nạn nhân tội nghiệp.

Ông Hứa Đại Toàn (cha của cháu Công) là phụ hồ, gần đây bị mất việc vì dịch Covid-19. Ông định hết lụt sẽ cùng Công sửa lại khoảnh vườn bên nhà để trồng rau, nuôi gà kiếm thêm thu nhập. "Công là đứa hiền lành, mỗi sáng đều chạy xe giúp mẹ đi giao rau củ ngoài chợ. Cháu mới lên lớp 10 được 3 tháng. Tôi đâu ngờ có ngày phải dùng ảnh thẻ lớp 10 của con để làm ảnh thờ" - ông Toàn đau đớn nói. Đại diện UBND xã Duy Phước, UBND thị trấn Nam Phước đã thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình một phần kinh phí cho lễ tang.

Đến nay, Quảng Nam đã ghi nhận 8 người chết, mất tích do mưa to, lũ dữ.

Mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên những ngày qua đã làm 30 người chết, 14 người mất tích; 541 nhà bị thiệt hại và 160.000 ngôi nhà bị ngập.

Cùng Báo Người Lao Động cứu trợ đồng bào miền Trung

Để hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua đói rét, nhọc nhằn vì chống chọi với mưa lũ, Báo Người Lao Động kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp và bạn đọc cùng chung tay góp sức, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc "lá lành đùm lá rách", giúp nhau qua hoạn nạn.

Mọi sự đóng góp xin gửi về tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM; số tài khoản: 117000004884, Báo Người Lao Động. Nội dung: "Cùng Báo Người Lao Động cứu trợ đồng bào miền Trung".

Báo Người Lao Động sẽ tổ chức cứu trợ, nhanh chóng chuyển đến đồng bào vùng mưa lũ. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc.

Ban Biên tập

Bài và ảnh: Quang Luật

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tang-thuong-sau-lu-du-20201013232408038.htm