Tang thương ở Sri Lanka

Chỉ riêng trong ngày 21/4, Sri Lanka đã phải hứng chịu tới 8 vụ nổ xảy ra tại các nhà thờ và khách sạn, khiến khoảng 300 người thiệt mạng và 500 người bị thương. Vụ nổ không chỉ khiến riêng quốc gia Nam Á này rúng động mà khiến cả thế giới phải bàng hoàng bởi nó diễn ra vào đúng ngày Lễ Phục sinh truyền thống của những người theo Thiên Chúa giáo.

Một trong những vụ nổ kinh hoàng tại nhà thờ ở thủ đô Colombo, Sri Lanka.

Một trong những vụ nổ kinh hoàng tại nhà thờ ở thủ đô Colombo, Sri Lanka.

6 vụ đánh bom đầu tiên xảy ra gần như đồng thời vào khoảng 8h45 - thời điểm rất đông giáo dân đang tham dự các hoạt động mừng ngày Phục sinh. Các vụ nổ đầu tiên được ghi nhận tại 2 nhà thờ, gồm nhà thờ St Anthony ở thủ đô Colombo và St Sebastian ở Katuwapitiya, thị trấn Negombo, phía Bắc thủ đô Colombo. Ngay sau đó, 3 khách sạn sang trọng khác tại thủ đô là Shangri-La Colombo, Kingsbury Hotel và Cinnamon Grand Colombo cùng một nhà thờ nữa ở thị trấn Batticalao, miền Đông nước này cũng đã trở thành mục tiêu tấn công. Đáng nói, những khách sạn này đều nằm cách nhau chỉ khoảng 2 km, dọc theo một dải bờ sông ở trung tâm thành phố Colombo và là nơi các du khách nước ngoài thường xuyên lui đến. Chính vì thế trong số những người thiệt mạng có khá nhiều người nước ngoài, đến từ các nước Anh, Mỹ, Hà Lan… Trong khi người dân chưa thể định thần điều gì đang xảy ra với họ, và lực lượng chức năng vẫn đang tập trung giải quyết 6 vụ nổ trên, thì chỉ vài giờ sau, Sri Lanka tiếp tục gánh chịu thêm 2 vụ nổ mới tại một khách sạn và một ngôi nhà ở vùng ngoại ô phía Nam và phía Bắc thủ đô Colombo. Có thể nói đây là loạt vụ tấn công đẫm máu nhất mà Sri Lanka phải hứng chịu nhất kể từ sau cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa các lực lượng Chính phủ và phe ly khai, nhóm Hổ Tamil ở phía Bắc Sri Lanka kết thúc đúng 10 năm trước.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công “hèn hạ” nhằm vào người dân, kêu gọi người dân đoàn kết và mạnh mẽ, không đưa ra các thông tin chưa được kiểm chứng và Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để kiểm soát tình hình. Chính phủ Sri Lanka cũng nhanh chóng triệu tập cuộc họp Hội đồng an ninh khẩn cấp, tăng cường các biện pháp an ninh, theo đó, đóng cửa tất cả trường học trên cả nước trong hai ngày 22 và 23/4, ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 18h00 - 6h00 và chưa rõ khi nào sẽ dỡ bỏ. Bên cạnh đó, nước này còn thông báo tạm cấm truyền thông xã hội, chặn các ứng dụng tin nhắn như WhatsApp, Viber và Facebook nhằm không để những thông tin sai lệch lan truyền.

Ngay sau thảm kịch kinh hoàng trên, thế giới đã cùng lên án vụ tấn công và bày tỏ chia buồn với Sri Lanka. Hiện có 2 luồng ý kiến chính nhận định về nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công đẫm máu tại Sri Lanka. Đó là loạt vụ tấn công xuất phát từ tàn dư của cuộc nội chiến, thứ hai là từ xung đột tôn giáo tại Sri Lanka nói riêng và khu vực Trung Đông, Nam Á nói chung.

Mặc dù nội chiến đã kết thúc 10 năm, nhưng nhiều cay đắng và bất bình vẫn còn tồn tại và đối với một số người ở cả hai phe cuộc chiến vẫn còn dang dở. Một báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng tiến trình thực hiện các cam kết của Chính phủ sau năm 2015 đã dẫn đến tình trạng xung đột vẫn tồn tại âm thầm trọng nội bộ của Sri Lanka.

Mặt khác, việc nhắm mục tiêu đến các nhà thờ 3 ba khách sạn sang trọng ở Colombo cho thấy đây có thể là sản phẩm của những kẻ có tư tưởng thù địch chống phương Tây hoặc chống Chính phủ, hoặc là từ những đối tượng tôn giáo cuồng tín. Là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương, dân số của Sri Lanka khoảng 22 triệu người, chủ yếu theo Phật giáo với khoảng 70%, trong đó chỉ có khoảng 6% dân số Sri Lanka theo Thiên Chúa giáo. Trong lịch sử nước này, không xảy ra nhiều vụ tấn công tôn giáo, song quan hệ với các nhóm tôn giáo khác, bao gồm những người theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo không phải lúc nào cũng duy trì bầu không khí dễ chịu. Năm 2018, Liên minh Hội Thánh Tin Lành Sri Lanka, đại diện cho hơn 200 nhà thờ cho biết đã xác minh 86 sự kiện phân biệt đối xử, đe dọa và bạo lực với những người dân theo Thiên Chúa giáo.

Các báo cáo ban đầu cho thấy các vụ nổ tại Sri Lanka có thể được thực hiện bởi những kẻ đánh bom liều chết, theo một âm mưu có tổ chức nhằm gây hỗn loạn đất nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào thừa nhận tiến hành vụ việc trên. Lực lượng chức năng đang khẩn trương tiến hành điều tra vụ việc.

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tang-thuong-o-sri-lanka-103587.html