Tăng thuế thuốc lá sẽ giảm bệnh tật, giảm tử vong và tăng thu ngân sách

Tại hội thảo về phòng chống tác hại thuốc lá do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 6-12, bà Nguyễn Thùy Linh (Quỹ Phòng chống thuốc lá -Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là một trong 15 nước có tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người đang hút thuốc lá. Tỉ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành là 22,5%.

Một trong những nguyên nhân khiến việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam cao là thuế thuốc lá còn thấp, mới chỉ 65% giá xuất xưởng (bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng). Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới, từ ngày 1/1/2019 thuế thuốc lá sẽ tăng lên 75%. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn thấp so với khuyến cáo của WHO phải là 70-75% giá bán lẻ.

Ths. Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng WHO tại Việt Nam) cho biết, mỗi năm thế giới có khoảng 6 triệu người chết do thuốc lá cùng với tổn thất tới 500 tỷ USD. Ngành công nghiệp thuốc lá đang đặt lợi nhuận của họ lên trên tính mạng con người. Còn có sự mâu thuẫn giữa lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá với lợi ích của các chính sách y tế công cộng. Để hạn chế việc sử dụng thuốc lá, Thái Lan tăng thuế và đã thu được 2 tỷ USD.

GS.TS. Đào Văn Dũng (Ban Tuyên giáo Trung ương)

Nếu Việt Nam tăng thuế thuốc lá cũng sẽ rất hiệu quả khi vừa thu được thuế từ sản phẩm độc hại để giảm sử dụng mà Chính phủ lại có nguồn thu để đầu tư cho các công trình công cộng, như “mua lại” các trạm BOT, như BOT Cai Lậy là 1.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều số tiền thu lại từ thuế thuốc lá.

Có ý kiến cho rằng, thuốc lá là một nguồn thu cho ngân sách, nhưng các nghiên cứu cho thấy năm 2015 đóng góp từ thuế thuốc lá là 15.297 tỷ thì số tiền dùng vào việc tiêu thụ thuốc lá tới 31.000 tỷ. Chi cho điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá tới 24.000 tỷ đồng. Các hộ nghèo tiêu tốn khoảng 5% thu nhập gia đình vào thuốc lá, mà 11,3% hộ gia đình thoát nghèo nếu chi cho thuốc lá được dùng để mua thực phẩm.

Các ý kiến đều cho rằng cần tăng thuế thuốc lá để giảm bệnh tật và tử vong

Theo đề xuất của Bs. Phạm Thị Hoàng Anh -Giám đốc tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam, Thái Lan tăng thuế thuốc lá lên 87% đã làm tăng thu ngân sách 4 lần đồng thời giảm tỉ lệ hút thuốc giảm từ 32% xuống 20%.

Với câu hỏi của PV Báo CAND về việc tại sao ở Việt Nam tăng thuế thuốc lá lại chậm chạp, trong khi ai cũng nhìn thấy hiệu quả mọi mặt là đảm bảo sức khỏe người dân, ngân sách lại tăng, GS.TS. Đào Văn Dũng, Vụ trưởng các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương giải thích: Việc tăng thuế chưa được như khuyến cáo của WHO là có trách nhiệm của nhà nước; sự vận động của một nhóm nhỏ có lợi ích từ thuốc lá và trách nhiệm giải trình để được Quốc hội thông qua; việc cung cấp thông tin cho báo chí chưa kịp thời, mạnh mẽ và đầy đủ. Còn có mâu thuẫn giữa nhà sản xuất, kinh doanh thuốc lá với người tiêu dùng. Truyền thông chưa làm cho mọi người hiểu hút thuốc lá sẽ gây bệnh tật và tử vong, để ủng hộ tăng thuế thuốc lá.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng, trong việc phòng chống tác hại thuốc lá, báo chí có vai trò quan trọng. Vì thế, GS.TS. Đào Văn Dũng cho rằng báo chí cần phát hiện vấn đề, định hướng dư luận về vấn đề nhóm lợi ích vận động không thực hiện Công ước khung, về tác hại của thuốc lá, đồng thời phải phân tích giữa lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh với chi phí do bệnh tật từ thuốc lá.

“Báo chí phải phản ánh phản biện của nhân dân, phản biện của các tổ chức, cộng đồng xã hội và theo dõi, kiểm tra việc thực thi Công ước quốc tế và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng; chống lạm dụng quyền lực để trục lợi” –ông Dũng nhấn mạnh.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/tang-thue-thuoc-la-se-giam-benh-tat-giam-tu-vong-va-tang-thu-ngan-sach-469313/