Tăng thời gian làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người Việt Nam

Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Khi cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ quan điểm không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ/ năm, dù vậy, lần này Chính phủ vẫn mong muốn phương án này tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định. Vậy chúng ta cần xử lý vấn đề trên thế nào?

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn - cho rằng: Tăng thời gian làm thêm sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, lâu dài là làm hại giống nòi của người Việt Nam.

PGS.TS Vũ Quang Thọ.

PGS.TS Vũ Quang Thọ.

Không thể tăng “vô tội vạ”

PV: Thưa ông, khi cho ý kiến về đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ/ năm, rất nhiều ý kiến đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất này. Quan điểm của ông?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Quan điểm cá nhân tôi là không nên tăng thêm thời gian làm thêm, cần giảm giờ làm để người lao động còn được hưởng những phúc lợi xã hội. Hiện nay cũng có một vài ý kiến cho rằng: Cần tăng thời gian làm thêm cho người lao động, đặc biệt vào những tháng cuối năm. Lý do vì thu nhập của người lao động rất thấp nên họ muốn làm thêm để có thêm thu nhập. Nhưng tôi cho rằng, giữa “cái muốn” và “tăng giờ làm thêm” chỉ nằm trong một chừng mực nào đó. Sức khỏe của người lao động phải được đảm bảo, đó mới là cái quan trọng, chứ không thể để thời gian làm thêm kéo dài “vô tội vạ” từ 300 giờ/ năm lên 400 giờ/ năm, thậm chí lên đến 500 giờ/ năm. Người lao động cần có thời gian nghỉ ngơi, chứ không phải vì thời gian làm thêm mà ràng buộc họ, khiến họ không còn thời gian nghỉ ngơi. Nhiều ý kiến cũng cho rằng chúng ta cần ủng hộ giảm thời gian lao động để người lao động được hưởng tất cả các phúc lợi xã hội và nghỉ ngơi. Ở nước ta do tiền lương và thu nhập còn thấp nên người lao động phải làm thêm, nhưng chỉ làm thêm trong khuôn khổ mà họ có thể làm được. Trong tương lai chúng ta cần giảm bớt thời gian làm thêm, thậm chí giảm bớt ngày làm việc, thời gian làm việc trong ngày, vì đó là xu hướng chung của quốc tế hiện nay: Tăng lương, giảm giờ làm. Kinh tế ngày càng phát triển, thời gian lao động ngày càng rút ngắn lại vì năng suất lao động đang được đẩy lên do áp dụng khoa học công nghệ đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì thế, cần kéo giảm thời gian lao động để người lao động được nghỉ ngơi, giữ sức, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần duy trì giống nòi.

Khi chưa quy định về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa thì vừa qua đã có hiện tượng nhiều chủ sử dụng lao động bắt người lao động tăng thêm thời gian làm việc. Giờ nếu chúng ta luật hóa quy định này, cùng với thực tế hiện nay công tác kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng để khai thác sức lao động một cách kiệt sức, thưa ông?

- Thời gian qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thời gian làm thêm của người lao động chưa được duy trì và thực hiện tốt, nên có việc một số chủ sử dụng lao động lợi dụng việc đó để tăng thời gian làm thêm lên một cách quá mức. Thời gian làm thêm của người Việt Nam diễn ra “vô tội vạ” đang là thực tế. Việc lợi dụng để tăng thời gian làm thêm lên sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người Việt Nam, cho nên đây là cái chúng ta cần hiểu, cần biết để tuyên truyền, cảnh tỉnh và dần dần tháo gỡ. Không thể chỉ vì cuộc sống mưu sinh của mình, vì đồng tiền, vì bát cơm manh áo mà cắm cúi vào làm thêm quá nhiều, đến lúc thế giới đã tiến một bước rất dài trong thụ hưởng cuộc sống, còn bản thân mình cũng không biết có tiến lên hay không tiến lên.

Cần kéo giảm thời gian lao động để người lao động được nghỉ ngơi. Ảnh: Quang Vinh.

Sức khỏe kiệt quệ: Ai lo?

Ông có nhận xét gì khi có nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực quan trọng, tài sản quý giá của quốc gia là sức khỏe của người lao động. Việc lao động quá sức sẽ ảnh hưởng đến giống nòi của người Việt Nam?

- Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm trên, điều đó là chính xác. Bên cạnh đó, có thể lúc đầu người lao động không thấy được cái hại của việc làm thêm giờ vì thế cứ cắm cúi làm thêm. Đến khi ngửng đầu lên không biết xã hội loài người đã vượt xa mình như thế nào trong thụ hưởng cuộc sống, đến khi hối lại không còn kịp nữa, đó là cái hại của việc làm thêm.

Nguyên nhân dẫn đến làm thêm giờ cũng là do thu nhập và đồng lương của người lao động ở nước ta hiện nay đang quá thấp, mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu cuộc sống, cho nên người lao động phải làm thêm để đảm bảo cho cuộc sống. Bởi không làm thêm làm sao đủ lương để sống, thưa ông?

- Chúng ta không thể nói năng suất lao động của nước ta đang “quá thấp” mà chỉ ở mức thấp; vì hiện năng suất lao động của người lao động ở nước ta đã được cải thiện tương đối. Người lao động cần phải làm thêm vì tiền lương và thu nhập quá thấp nên họ muốn có thêm nguồn thu nhập từ chính công sức lao động của họ bỏ ra. Càng về những tháng cuối năm, người lao động càng muốn làm thêm nhiều hơn, vì những tháng cuối năm họ phải chi tiêu nhiều, họ sẵn sàng bỏ cả ngày chủ nhật hay ngày lễ để làm việc. Đến các doanh nghiệp như may mặc, dệt, chế biến thủy hải sản… có thể thấy công nhân làm bất kể lúc nào. Thậm chí khi tôi đi khảo sát, có công nhân tâm sự: “Chính những ngày làm thêm, chúng em có dịp để hưởng thụ sự mát mẻ của nhà máy, phân xưởng. Vì về nhà quá nóng bức, 7-8 người phải ở trong những ngôi nhà chật chội, không điều hòa, thậm chí có nơi không có quạt, muốn dùng quạt thì cá nhân phải sắm cho nên nóng bức không ngủ được. Do đó nghĩ rằng được làm thêm là được hưởng thụ cái mát trong nhà máy”. Lúc đó tôi ngậm ngùi nói rằng: “Thực ra ý của bạn nói cũng đúng nhưng làm quá nhiều sẽ đến lúc kiệt quệ sức khỏe, lúc bấy giờ chả ai lo cho các bạn”.

Thưa ông, ông có cho rằng nếu chúng ta không cho phép tăng thêm thời gian lao động sẽ buộc chủ sử dụng lao động phải đổi mới công nghệ, áp dụng dây chuyền hiện đại đi vào sản xuất chứ không chỉ ỷ lại, ép buộc vắt sức lao động của người lao động?

- Đúng vậy, vì doanh nghiệp hiện nay đang muốn người lao động làm thêm chứ không muốn đầu tư kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, họ không đầu tư, tuyển thêm nhân lực, tuyển thêm lao động vì họ muốn người lao động làm thêm. Tuyển thêm nhân lực là tốn kém, vì thế chủ sử dụng lao động muốn người lao động càng làm thêm giờ càng tốt. Nếu chúng ta không cho phép tăng thêm thời gian làm thêm, lúc đó buộc họ phải đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động chứ không trông chờ, ỷ lại vào sức lao động của người lao động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Trong quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/tang-thoi-gian-lam-them-se-anh-huong-den-suc-khoe-nguoi-viet-nam-tintuc447901