Tăng thời gian làm thêm, phải tăng lợi ích cho người lao động

Sáng 3.6, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.CHI

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.CHI

Các ông, bà: Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì.

Tăng giờ làm thêm, công nhân đối mặt nhiều nguy cơ

Bà Bùi Thị Thỏa - đại diện Tổng LĐLĐVN - cho biết, theo khảo sát, phần lớn người lao động (NLĐ) không muốn mở rộng khung giờ làm thêm mà cho rằng cần có giải pháp tăng năng suất cho doanh nghiệp và thu nhập của NLĐ. Chỉ có một số NLĐ vì sức ép thu nhập nên buộc phải chấp nhận tăng giờ làm thêm.

Theo đại diện Tổng LĐLĐVN, việc xem xét tăng thời giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của NLĐ, an toàn lao động, các vấn đề về xã hội,… và cả xu hướng của thế giới hiện nay (giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi). Quy định về giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền lương của DN, bảo đảm quyền lợi của NLĐ, tránh việc doanh nghiệp (DN) lợi dụng tăng giờ làm thêm để trả lương thấp, buộc NLĐ không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải “tự nguyện” làm thêm giờ mới có thu nhập để đủ trang trải cuộc sống.

“Tăng thời gian làm thêm thì phải tăng lợi ích cho NLĐ. Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho NLĐ. Hiện nay, quy định về thời giờ làm việc chính thức của Việt Nam rất cao (48 giờ/tuần); nghỉ lễ, tết rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới” - bà Thỏa cho hay.

Qua khảo sát của các cấp công đoàn cho thấy, NLĐ chỉ đồng tình mở rộng khung tối đa giờ làm thêm nếu người lao động được chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ theo lũy tiến. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng DN không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực (để trốn tránh nghĩa vụ) mà huy động làm thêm giờ. Thực tế cho thấy, số giờ làm thêm tăng tỉ lệ thuận với lợi ích DN thu được. Trong khi đó, NLĐ dù tăng thu nhập nhưng lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ và chi phí phát sinh từ việc làm thêm ngoài giờ như: Chi phí tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái, nguy cơ tai nạn lao động; tăng nguy cơ bị quấy rối (khi phải thường xuyên đi làm về muộn), bạo hành…

Cần mở rộng đến đối tượng lao động phi chính thức

Theo bà Đàm Thị Vân Thoa - Phó ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đối tượng LĐ phi chính thức chưa được quy định ở dự thảo Bộ luật, trong khi đó, đây là lực lượng chiếm tỉ lệ lớn trong đội ngũ LĐ hiện nay. Hơn nữa, trong số LĐ phi chính thức, nữ giới chiếm tỉ lệ lớn, không được tiếp cận với bảo trợ xã hội, nằm ngoài đối tượng điều chỉnh của Bộ luật LĐ. Bà đề nghị dự thảo luật phải mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với LĐ phi chính thức, làm căn cứ cho các luật khác.

Đối với tuổi nghỉ hưu, đại diện Hiệp Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, nhiều ý kiến trong Hiệp hội không đồng tình, đặc biệt là những NLĐ chân tay. Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, tuổi nghỉ hưu là vấn đề cực kỳ quan trọng; chính NLĐ mới là người quyết định, vì vậy, phải tăng cường lấy ý kiến của họ. “CN trong các ngành như: Gia dày, dệt may,… hay giáo viên mầm non, mẫu giáo,… thì không thể tăng tuổi nghỉ hưu được. Cần có danh mục các ngành nghề cụ thể về tuổi nghỉ hưu” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Liên quan đến các vấn đề khác, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình rằng NLĐ cần có thêm ngày nghỉ lễ, nhưng không đồng tình lấy ngày 27.7 (Ngày Thương binh liệt sĩ) như trong dự thảo.

QUẾ CHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/tang-thoi-gian-lam-them-phai-tang-loi-ich-cho-nguoi-lao-dong-737218.ldo