Tăng sức sống cho tranh cổ động

Dẫu thời hiện đại có bao nhiêu hình thức thông tin, tuyên truyền tân tiến đến đâu, tranh cổ động vẫn có sức sống riêng, khó thể thay thế. Tuy nhiên, cách biểu đạt của loại hình tranh này bao năm qua không có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu cho các cơ quan chức năng và các nghệ sĩ cần có cách nghĩ, cách làm mới về tranh cổ động.

Sắc bén trên mặt trận tư tưởng-văn hóa

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang trưng bày không gian tranh cổ động giới thiệu 30 tác phẩm được sáng tác từ năm 1958 đến năm 1986. Công chúng được sống lại với lịch sử hào hùng của dân tộc khi chiêm ngưỡng những tác phẩm: “Cải tiến canh tác đẩy mạnh sản xuất” (1958) của Minh Mỹ, “Trồng thêm thật nhiều rừng đước” (1977) của Nguyễn Chi, “Bám biển sản xuất sẵn sàng chiến đấu” (1978) của Quốc Thái, “Cuộc đời có Đảng” (1980) của Lê Sơn Hải... Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Trưng bày sưu tập tranh cổ động có nhiều tác phẩm không chỉ ghi lại những mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc, hoạt động tuyên truyền trên mọi mặt của đời sống mà còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này. Các tác phẩm tranh cổ động giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về mỹ thuật Việt Nam”.

 Tranh tuyên truyền cổ động phòng, chống dịch Covid-19 của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Duy Thành treo tại ngã sáu Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: THANH TÙNG

Tranh tuyên truyền cổ động phòng, chống dịch Covid-19 của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Duy Thành treo tại ngã sáu Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: THANH TÙNG

Tranh cổ động là cách gọi quen thuộc ở Việt Nam, còn trên thế giới gọi là tranh áp phích, tranh quảng cáo (affiche, poster). Ở đâu loại hình tranh này cũng có những đặc điểm chung như: Không phải độc bản mà có thể nhân bản; sử dụng để tuyên truyền, quảng cáo nên thường được phóng to đặt ở nơi đông người qua lại; câu chữ, con số được sử dụng thường xuyên và trở thành một phần quan trọng của bức tranh; nội dung bức tranh thường dễ hiểu... Điểm khác biệt của tranh cổ động tùy thuộc vào mỗi tác giả lựa chọn phong cách sáng tạo.

Trong những năm tháng chiến tranh, phương tiện truyền thông còn nhiều hạn chế, tranh cổ động đã phát huy vai trò to lớn khi cổ vũ quân và dân ta chiến đấu, lao động sản xuất. Không quá lời khi nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá tranh cổ động là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa ngang những tác phẩm văn chương, âm nhạc... Vai trò, vị trí của tranh cổ động ở hiện tại không giảm sút dù internet và các phương tiện thông tin truyền thông phát triển mạnh. Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, những bức tranh cổ động đã có tác dụng lớn giúp người dân (nhất là ở vùng sâu vùng xa) ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và chủ động trong phòng, chống dịch.

Đánh giá về sức sống của tranh cổ động, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng: “Mỗi khi có những sự kiện lịch sử lớn lao của đất nước, mỗi khi cần tiếng nói để huy động sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân, các họa sĩ tranh cổ động của Việt Nam đều hiện diện, thể hiện trách nhiệm đối với đất nước. Loại hình tranh cổ động chưa bao giờ cũ, vẫn đồng hành phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Với ưu thế là có thể sáng tác nhanh trong một thời gian ngắn, với ngôn ngữ tạo hình ấn tượng, những khẩu hiệu cô đọng, tranh cổ động luôn vào cuộc nhanh chóng và có tiếng nói kịp thời trong việc động viên tinh thần cũng như kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, góp sức. Những hình ảnh, khẩu hiệu trong tranh cổ động khi được sử dụng để tuyên truyền có thể làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Hội Mỹ thuật Việt Nam luôn ủng hộ, khuyến khích các nghệ sĩ có những sáng tác cổ động, tuyên truyền”.

Đổi mới, đa dạng hóa phong cách sáng tạo tranh cổ động

Họa sĩ, nhà báo Nguyễn Duy Thành tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chuyên ngành văn hóa quần chúng, trong đó được đào tạo vẽ tranh cổ động. Ra trường, anh công tác tại Báo điện tử VTC News với vai trò là phóng viên thể thao và tưởng sẽ chẳng có cơ hội thể hiện tài vẽ tranh. Một lần, nhân dịp diễn ra đại hội công đoàn cơ quan, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Thành vẽ một bức tranh cổ động chào mừng sự kiện. Bức tranh đã vô tình lọt vào “mắt xanh” của những nhà chuyên môn. Sau đó, mỗi khi có cuộc thi vẽ tranh cổ động ở trung ương hay địa phương, anh đều nhận được giấy mời tham dự. Mấy năm vừa rồi, anh đã giành được khá nhiều giải thưởng, tranh của anh phóng to đặt nhiều nơi trên cả nước.

Câu chuyện kể trên minh chứng cho việc các cơ quan chức năng chú trọng chăm lo tới đội ngũ và hoạt động sáng tạo tranh cổ động. Họa sĩ Nguyễn Công Quang, Trưởng phòng Tuyên truyền cổ động, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Hằng năm, Cục Văn hóa cơ sở căn cứ hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương để tham mưu xây dựng đề án, kế hoạch năm trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt về công tác tuyên truyền cổ động trực quan, trong đó có tổ chức thi sáng tác tranh cổ động phục vụ công tác tuyên truyền tại cơ sở. Về cơ bản, những ngày lễ, kỷ niệm lớn và nhiều hoạt động ý nghĩa trong từng năm đều tổ chức cuộc thi sáng tạo tranh cổ động”.

Tuy vậy, tranh cổ động hiện nay có bố cục, hình khối, câu chữ về cơ bản không có nhiều đổi mới, chưa thu hút sự chú ý của người xem. Trung tá QNCN, họa sĩ Nguyễn Tuấn Long (Phòng Văn hóa văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) cho rằng: “Bên cạnh nội dung bảo đảm tính chính xác, hiệu quả tuyên truyền, cách biểu đạt của tranh cổ động cần đổi mới, đa dạng hơn để thu hút sự tập trung chú ý của công chúng".

Riêng với quân đội, trong nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được giao nhiệm vụ là cơ quan tổ chức các trại sáng tác mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trong đó có thể loại tranh cổ động. Qua các trại sáng tác đã phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu, tích cực vẽ tranh cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị ở đơn vị cơ sở. Cục Tuyên huấn cũng thường xuyên phát động các cuộc thi nhân những sự kiện lớn của đất nước, quân đội, thu được những kết quả khả quan. Ở các đơn vị quân đội, tranh cổ động có vị trí quan trọng trong tổng thể cảnh quan, môi trường đơn vị, luôn cập nhật bám sát với từng sự kiện lớn của đất nước và quân đội, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục bộ đội.

Từ những cuộc thi cấp trung ương và địa phương đã xuất hiện một lớp họa sĩ trẻ trên dưới 30 tuổi chuyên vẽ tranh cổ động. Song ngoài các cuộc thi, “đất diễn” cho các họa sĩ này không có nhiều bởi đặc thù của loại tranh cổ động không phải ngẫu hứng sáng tác mà phải có sự kiện hoặc "đặt hàng" theo yêu cầu nhiệm vụ được giao. Mặt khác, không ít họa sĩ cũng thường vẽ theo bộ tranh do Cục Văn hóa cơ sở gửi về làm mẫu tham khảo nên tính sáng tạo không mấy khi được phát huy trong công việc thường ngày. Vậy nên, các cơ quan chức năng, nhất là ở địa phương, đơn vị cơ sở cần có nguồn lực đầu tư để họa sĩ sáng tác phục vụ nhiệm vụ chính trị. Và trên hết, bằng tâm huyết nghề nghiệp, các họa sĩ cũng cần chủ động sáng tạo, tránh rập khuôn để tranh cổ động có thêm sức sống mới.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tang-suc-song-cho-tranh-co-dong-627376