Tăng sức lan tỏa dòng vốn FDI

Mối liên kết kém chặt chẽ giữa doanh nghiệp 'ngoại' và 'nội' vẫn là một trong những hạn chế lâu nay trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Gần đây nhất, tại Hội thảo 'Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy', các chuyên gia kinh tế lại một lần nữa bày tỏ sự lo ngại về việc đang tồn tại song song hai khu vực kinh tế biệt lập, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước dường như đang chịu nhiều thiệt thòi.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách, cần sớm có những điều chỉnh chính sách phù hợp để dòng vốn FDI mang lại hiệu quả thiết thực hơn, nhất là trong việc kết nối, tạo “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chưa như kỳ vọng

Câu chuyện sức lan tỏa của FDI cần được nhìn từ hai góc độ. Một khía cạnh, dòng vốn ngoại thực tế đã đem lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế. Điển hình như khu vực FDI cũng đã góp phần làm “thay da, đổi thịt” nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương... Tại các địa phương thu hút được nhiều vốn FDI, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chất lượng điều hành của chính quyền thường tốt hơn so địa phương khác. Điều này phần nào thể hiện rõ chiều hướng lan tỏa tích cực của FDI. Tuy nhiên, kỳ vọng các doanh nghiệp (DN) FDI trong việc tạo ra mối liên kết bền chặt với khối DN trong nước, hỗ trợ họ lớn mạnh và đủ khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu lại chưa được như mong đợi. Cụ thể, chỉ có 21% số DN Việt Nam thật sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, rất thấp nếu so với các nước trong khu vực, thí dụ tỷ lệ này ở Thái-lan là 30%, ở Ma-lai-xi-a là 46%,...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh chia sẻ: Các DN FDI lớn khi đầu tư vào Việt Nam đã có sẵn mạng lưới cung ứng riêng của mình, vì thế thường không chủ động và nhiệt tình tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia các chuỗi này. Nhiều DN FDI mặc dù tuyên bố thiện chí, nhưng lại đặt ra các tiêu chuẩn quá cao, đồng thời không tiến hành các bước hỗ trợ cần thiết cho nên DN trong nước khó lòng với tới. Thực tế DN FDI chỉ mua khoảng 26,6% số thiết bị đầu vào từ DN Việt Nam, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Tuy nhiên, theo các DN FDI, nguyên do lại đến từ năng lực còn yếu của DN trong nước.

Dẫn chứng trường hợp của Samsung, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Bang Hyun Woo cho biết: Mặc dù Samsung đã hình thành được hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam với hàng trăm nhà cung ứng các cấp, song đáng tiếc là số lượng nhà cung ứng cấp một của Việt Nam chỉ chiếm số lượng nhỏ. Bên cạnh đó, so với tốc độ mở rộng đầu tư sản xuất của Samsung tại Việt Nam thì sự tham gia của các DN trong nước vào chuỗi sản xuất vẫn chậm chạp. Nguyên nhân chính là do quy mô của DN Việt Nam còn quá nhỏ. Thực tế Samsung đã đóng góp hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, sản lượng rất lớn, do đó để một DN nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung không hề dễ dàng.

Tăng cường liên kết

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết: Theo nghiên cứu, đúng là tác động lan tỏa của khu vực FDI tỷ lệ thuận với độ lớn của DN. Các DN nhỏ gần như không nhận được hiệu quả lan tỏa từ khu vực FDI, chỉ có DN vừa và lớn có cơ hội. Điều này gợi mở hàm ý về chính sách là làm sao để DN Việt Nam lớn lên thì sẽ giảm được khoảng cách về công nghệ với các DN lớn và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI. Bên cạnh đó, rõ ràng là chính sách về FDI hiện chưa làm tốt vai trò tạo liên kết giữa DN FDI với DN trong nước. Do đó, cần xây dựng một khung chính sách về FDI với trọng tâm là thúc đẩy năng lực của khu vực DN trong nước, nhất là các DN tư nhân, để khu vực này có thể kết nối được với khu vực FDI, qua đó tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thực tế, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay mới đưa ra cam kết tỷ lệ nội địa hóa ở mức 10%.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến mức độ lan tỏa từ khu vực FDI đến khu vực DN trong nước còn hạn chế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành kiến nghị: Cần có những chính sách bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Chỉ có như vậy mới tạo được sự lan tỏa tới khu vực DN trong nước.

Bàn về sức lan tỏa còn hạn chế của dòng vốn FDI, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: Trách nhiệm thuộc về các DN Việt Nam thường thiếu chủ động và tự ti trong việc tiếp cận các DN FDI. Muốn làm DN hỗ trợ cho DN nước ngoài, DN Việt Nam phải tự tin, chủ động hơn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng; phải có chiến lược phát triển để thích ứng với yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài, đồng thời phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích DN trong nước hợp tác với DN FDI.

Ngoài ra, thực tế từ đầu năm tới nay, nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô rất nhỏ mà vẫn được cấp phép trong khi các DN Việt Nam cũng đảm đương được. Rõ ràng, chúng ta cần sớm điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư trong thời gian tới, tập trung ưu tiên các dự án FDI lớn, đủ mang lại những tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế.

Sau 30 năm Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua (năm 1987), thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã tiến một bước dài. Đến nay, đã có hơn 23 nghìn dự án FDI chọn Việt Nam là điểm đến với tổng số vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD, trong đó, tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD.

NGUYỆT BẮC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/34755902-tang-suc-lan-toa-dong-von-fdi.html