Tăng sức hút với khán giả

Thời gian gần đây, phim truyền hình về đề tài chính luận đã có sự trở lại mạnh mẽ. Trong đó không ít bộ phim đã tạo được dấu ấn, sức hút lớn đối với khán giả và nhận những giải thưởng danh giá. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy dòng phim này ở nước ta đã bước đầu khẳng định được vị thế, không còn bị các phim tâm lý, hành động lấn lướt như trước.

Do đặc trưng của thể loại nên phim truyền hình về đề tài chính luận vẫn được cho là khô khan, khó xem. Tuy nhiên, bằng sự lao động nghiêm túc, sáng tạo và dấn thân, các nhà sản xuất phim dần dần cởi bỏ vỏ bọc đó, đem đến cho khán giả những bộ phim hấp dẫn, lột tả những vấn đề “nóng” trong xã hội như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tha hóa quyền lực... Bên cạnh đó, để tăng sức hấp dẫn, các bộ phim còn cài vào chuyện gia đình, tình yêu đôi lứa... như những lát cắt nhẹ nhàng, gần gũi với đời thường, truyền tải sâu sắc những thông điệp nhân văn, chạm đến trái tim, tình cảm người xem.

Có thể nói, phim truyền hình chính luận với những đề tài gai góc, phản ánh các vấn đề bức xúc của xã hội đã, đang được các nhà sản xuất phim quan tâm và phần nào đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả. Tuy nhiên, làm thế nào để dòng phim này tiếp tục giữ được và tăng sức hút với khán giả, không rơi vào “khoảng lặng” khi mất hút những tác phẩm mang tính đỉnh cao như đã từng xảy ra?

Muốn vậy, các nhà sản xuất phim cần tiếp tục phát huy cách làm hiệu quả thời gian qua, đó là chú trọng đầu tư để có những kịch bản mang tính chiều sâu, đề tài phong phú, đưa khán giả đến với những vấn đề “nóng”, mang đậm hơi thở thời đại. Để làm được điều này, đòi hỏi các nhà sản xuất phim phải tâm huyết và sáng tạo, có nhãn quan sâu, có khả năng khái quát các vấn đề thời sự, xử lý đề tài khéo léo, ngôn ngữ luôn giữ được sự thâm thúy, sâu sắc. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông cho tác phẩm để công chúng chú ý đến bộ phim trước khi phát sóng là việc làm rất cần thiết.

Với cơ quan quản lý, cần có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cho lĩnh vực sáng tác để có nhiều kịch bản phim chất lượng. Trong quá trình kiểm duyệt, sàng lọc và đào thải những sản phẩm kém chất lượng cũng nên đưa ra những định hướng để tạo cơ hội cho người làm phim sáng tạo, tạo ra những sản phẩm hoàn thiện hơn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân đầu tư sản xuất phim… Cùng với đó, cần có chiến lược đào tạo căn cơ nguồn nhân lực ngành Điện ảnh đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới. Trong đó, cần học hỏi kinh nghiệm từ một số nước trong khu vực, như Hàn Quốc là một điển hình, từng triển khai cuộc “cách mạng điện ảnh”, tài trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực ở những nước có nền điện ảnh lớn, hiện đại, giúp điện ảnh có những bước nhảy vọt.

Với dòng phim chính luận, đòi hỏi diễn viên khi nhập vai phải sử dụng lời thoại, cử chỉ, tác phong chuẩn chỉ, đúng chuyên ngành… Vì vậy, diễn viên cần chuyên nghiệp hơn trong làm nghề, tìm hiểu và đầu tư công sức, kỹ năng diễn xuất; không ngừng học tập, bổ sung trình độ chuyên môn, vốn sống, sự trải nghiệm để có thể chuyển tải nội dung kịch bản lên màn ảnh với những nhân vật sống động.

Sự tâm huyết của nhà sản xuất, diễn viên, cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chắc chắn sẽ có thêm những bộ phim về đề tài chính luận hay và chất lượng, tiếp tục tăng sức hút đối với khán giả, góp phần vào sự khởi sắc rõ nét hơn của phim truyền hình Việt Nam.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/970600/tang-suc-hut-voi-khan-gia