Tăng sức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài

Việc mở cửa, đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế, mà thu hút vốn đầu tư nước ngoài là nổi bật nhất, mang đến sự thay đổi đột phá của Việt Nam. Tiến bộ là kết quả của một quá trình và sự ra đời của Nghị quyết số 50-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (ngày 20-8-2019) về định hướng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đang thúc đẩy, đưa hoạt động đầu tư nước ngoài 'thăng hoa', tăng sức đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Sự mở cửa đầy bản lĩnh

Từ cuối những năm 80 (thời bao cấp) của thế kỷ trước, Việt Nam đã đón nhận những dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên, ghi dấu ấn trong hội nhập quốc tế. Sau đó, lần lượt các nhà đầu tư, lúc đó chủ yếu từ những quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, đã tiên phong triển khai dự án. Những nhà đầu tư nổi tiếng khu vực như Toyota, Samsung, LG… trở nên quen thuộc cũng như ngày càng mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, đầu tư nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, bên cạnh những địa phương quen thuộc như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương ở vùng Đông Nam Bộ. Nhận xét về sự mở cửa, thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện tổ chức quốc tế cho rằng, đó là sự thay đổi tư duy một cách sâu sắc, phù hợp trong tình hình mới và đầy bản lĩnh của Việt Nam.

Song, cần thừa nhận đầu tư nước ngoài cũng bộc lộ những hạn chế, thậm chí là hậu quả rất đáng suy ngẫm. Đó là tình trạng công nghệ sử dụng chỉ ở mức trung bình của thế giới hoặc lạc hậu; thâm dụng lao động và đất đai; trốn thuế; gây ô nhiễm môi trường. Theo chuyên gia kinh tế Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thực tế ghi nhận cả mặt tích cực cũng như tồn tại của khu vực đầu tư nước ngoài. Vì thế cần có biện pháp ngăn chặn tiêu cực, phát huy kết quả đạt được; nhân lên tối đa sự đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài.

Đến nay, đã hơn 30 năm đổi mới và Việt Nam thu hút trên 430 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Đó là “con số biết nói”, cho thấy sự hấp dẫn và chủ động đón nhận dòng vốn quốc tế cũng như đủ lâu để đánh giá, rút kinh nghiệm và đưa ra định hướng mới. Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TƯ, một văn bản ở tầm vĩ mô, để điều hành hoạt động đầu tư nước ngoài một cách chọn lọc, lấy hiệu quả làm thước đo.

Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Nghị quyết lưu ý, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết. Có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ… Việt Nam sẽ ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...

Nghị quyết mới mở ra giai đoạn mới

Có thể thấy, mục đích bao trùm vẫn là nâng cao chất lượng và công nghệ cao. Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam sẽ “khó tính” hơn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chủ động chuyển sang giai đoạn mới là “không thu hút đầu tư bằng mọi giá”, đồng thời, tập trung cải thiện môi trường đầu tư để chọn lọc dự án công nghệ cao, có sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao; chú trọng chất lượng thay vì số lượng.

Với mục tiêu đề ra, lượng vốn thu hút mới từ năm 2019 đến nay đều đạt trên dưới 30 tỷ USD/năm, hơn 75% lượng vốn mới đều tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và nhiều dự án áp dụng công nghệ cao thuộc lĩnh vực bán dẫn, cơ khí chính xác, năng lượng xanh, logistics… Minh chứng cho vấn đề này là Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đang bắt đầu xúc tiến dự án trị giá 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất (trung hòa carbon), không phát thải độc hại ra môi trường.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tại Việt Nam đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Xét về tổng thể, đầu tư nước ngoài ngày càng đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng cũng như trực tiếp tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động, thường xuyên đóng góp trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, khoảng 25% thu ngân sách… Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế, Chính phủ, các bộ, địa phương từng bước thuận lợi hóa, tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, thật sự “vì nhà đầu tư”.

Các định chế kinh tế quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, hoặc nhà đầu tư tầm vóc như Mỹ, châu Âu đều nhận định Việt Nam có môi trường đầu tư rõ ràng, nhất quán, ổn định bên cạnh sự linh hoạt nên thật sự là điểm đến xứng đáng. Đặc biệt, gần đây dư luận quốc tế lại “dậy sóng” khi một loạt tên tuổi công nghệ đỉnh cao như: Samsung, Intel, Boeing đã công bố hướng về Việt Nam, nhằm xây dựng cơ sở sản xuất, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) Hong Sun, Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn, giàu sức cạnh tranh và xứng đáng để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án. Điểm nổi bật là môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, sự ổn định cũng như thị trường lớn bên cạnh nguồn cung lao động đông đảo là những lợi thế so sánh nổi bật trong mắt giới đầu tư thế giới, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nghi-quyet-doi-song/1041986/tang-suc-dong-gop-cua-khu-vuc-dau-tu-nuoc-ngoai