Tăng sức đề kháng cho trẻ vượt qua bệnh phổ biến trong mùa đông xuân không cần dùng kháng sinh

Mùa đông xuân là thời kì cao điểm các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, viêm họng cấp, cảm mạo… là những bệnh hay gặp ở trẻ em.

Ths. Hoàng Vũ Long, BV Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội cho biết, có một số phương pháp đông y đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả giúp trẻ khỏe mạnh, không bị mắc các căn bệnh phổ biến trên.

Trước hết, đó là việc khuyến khích trẻ vận động. Ths Hoàng Vũ Long cho biết, ngày nay các bậc phụ huynh thường không để trẻ vận động ngoài trời trong mùa đông xuân do sợ trẻ cảm lạnh, nhưng ngược lại, những trẻ hay bệnh về các đường hô hấp càng cần phải tăng cường tập luyện thể chất, nên hoạt động nhiều ngoài trời, tắm nắng, thay đổi không khí có thể lựa chọn thể dục như chạy bộ hoặc bơi, …

Song song với đó, phụ huynh hàng ngày nên bấm huyệt tứ bạch - huyệt cạnh khóe mũi nghinh hương nhằm tăng cường khả năng chịu lạnh của trẻ với thời gian từ 5 - 10 phút.

Phụ huynh hàng ngày nên bấm huyệt tứ bạch - huyệt cạnh khóe mũi nghinh hương nhằm tăng cường khả năng chịu lạnh của trẻ với thời gian từ 5 - 10 phút

Phụ huynh hàng ngày nên bấm huyệt tứ bạch - huyệt cạnh khóe mũi nghinh hương nhằm tăng cường khả năng chịu lạnh của trẻ với thời gian từ 5 - 10 phút

“Các huyệt này vừa giúp tăng cường khả năng chịu lạnh vừa giúp hồng cầu, bạch cầu gia tăng, cải thiện chất lượng cơ quan hô hấp, mạch máu, tim mạch. Đương nhiên, tùy vào từng thể chất của trẻ, lựa chọn phương pháp tập luyện thích hợp”, Ths Hoàng Vũ Long cho hay.

Theo Ths. BS Hoàng Vũ Long, các bệnh đường hô hấp ở trẻ thường được nhận định do miễn dịch suy giảm, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ thường xuyên tái phát bệnh đường hô hấp miễn dịch không suy yếu, mà do hệ thống miễn dịch rối loạn, hệ miễn dịch có thời kỳ suy giảm, hoặc có thời kỳ đề kháng quá mức, trường hợp này nên đưa trẻ kiểm tra hệ thống miễn dịch.

Với những trường hợp này, các bậc phụ huynh có thể dùng phương pháp vỗ vào huyệt túc tam lý hàng ngày để điều tiết miễn dịch ở trẻ, phương pháp này đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ, điều trị các chứng bệnh về dạ dày, tiêu hóa.

Vỗ vào huyệt túc tam lý hàng ngày để điều tiết miễn dịch ở trẻ

Có 2 cách xác định huyệt này: Ngồi trên ghế, 2 cẳng chân vuông góc với đùi, xác định chỗ lõm phía trước ngoài của khớp gối ( huyệt Độc Tỵ ) đo xuống 3 thốn ( bằng chiều ngang của 4 ngón tay chụm lại ) nơi cẳng chân trước và cách bờ sau xương chày 1 khoát ngón tay, khe giữa xương chày và xương mác.

Hoặc úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân từ đó hơi nhích ra phía ngoài một ít là huyệt.

Ngoài hai biện pháp trên, theo Ths Hoàng Vũ Long còn một cách khác cũng giúp trẻ vượt qua những cơn cảm mạo - ẩm thực liệu pháp.

“Đây là thế mạnh của y học cổ truyền, vừa có tác dụng hỗ trợ điều trị, vừa tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật”, Ths Hoàng Vũ Long cho hay.

Theo đó, các phụ huynh có thể lựa chọn một số món ăn – bài thuốc dưới đây giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn.

Canh Hoàng kỳ bồ câu

Tác dụng: Bổ khí cố biểu, dùng trong trường hợp trẻ hay cúm tái phát, mồ hôi trộm, thiếu máu.

Thành phần: Bồ câu (hoặc gà tơ) 1 con, sinh hoàng kỳ 10g (cho túi riêng), thêm một ít muối và rượu thích hợp hầm nhừ. Mỗi tuần cho trẻ ăn 2 lần

Canh nấm:

Tác dụng: kiện tỳ khai vị, dùng cho trẻ biếng ăn, thiếu kẽm

Thành phần: Nấm hương, nấm mỡ, nấm kim châm mỗi loại 50g, lượng muối phù hợp, nấu chín. Cho trẻ ăn mỗi tuần 2 lần.

Trà củ cải mật ong, thức uống rẻ tiền giúp trẻ phòng cảm lạnh

Trà củ cải mật ong:

Tác dụng; Thanh phế nhuận tràng, dùng cho trẻ ho nhiều đờm, táo bón.

Thành phần: củ cải 250g, mật ong 30g.

Cách làm: củ cải rửa sạch, đun lấy nước, khi củ cải chín, chắt lấy nước luộc hòa cùng mật ong để uống. Mỗi ngày cho trẻ uống một lần.

Canh Cá chép mạch đông thang

Tác dụng: Dưỡng âm nhuận phế, dùng cho trẻ ho nhiều, ít đờm, táo báo, mồm khô uống nhiều nước.

Thành phần: Mạch đông 10g (mạch môn), cá chép 1 con (100g), gia vị phù hợp.

Cách làm: rửa sạch luộc mạch đông 20 phút, chắt lấy nước. Cá chép làm sạch, rán qua, sau đó dùng nước mạch đông nấu canh cho đến khi cá chép chín nhừ. Mỗi tuần cho trẻ dùng 1 lần.

Canh ý dĩ đậu đỏ

Tác dụng: kiện tỳ hóa thấp, dùng cho trẻ biếng ăn, mặt xanh, mắt trũng.

Thành phần: Ý dĩ 20g, đậu đỏ 30g, đường.

Cách làm: Hầm chín ý dĩ đậu đỏ, cho lượng đường thích hợp, sau đó cho trẻ uống mỗi tuần hai lần.

Canh đông trùng táo đỏ

Tác dụng: Tư bổ phế thận, ổn định hệ miễn dịch, dùng cho trẻ hay cảm mạo, ho nhiều, đặc biệt trẻ bị hen suyễn.

Thành phần, cách sử dụng: Đông trùng hạ thảo 1 con, táo đỏ 5 quả nấu thành canh. Với loại đồ ăn này, các bậc phụ huynh sẽ cho trẻ ăn trước khi ngủ hoặc sáng sớm trước ăn.

H. Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/tang-suc-de-khang-cho-tre-vuot-qua-benh-pho-bien-trong-mua-dong-xuan-khong-dung-khang-sinh-276751.html