'Tăng sức đề kháng' cho thanh niên trước tin xấu – độc trên mạng xã hội

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi và một phần chưa được rèn luyện, thử thách, thanh niên là đối tượng trọng điểm để các thế lực thù địch, phản động mua chuộc, lôi kéo, kích động nhằm thực hiện chiến lược 'diễn biến hòa bình', chống phá cách mạng Việt Nam.

Mạng xã hội – con dao hai lưỡi với thanh niên

Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới, thanh thiếu niên ngày càng có nhiều cơ hội tham gia vào thế giới thông tin và kết nối vô cùng rộng lớn, cùng lúc có thể tiếp cận với nhiều hệ tư tưởng và giá trị sống khác nhau.

Bên cạnh những lợi ích đem lại, mạng xã hội được ví như “con dao hai lưỡi” tiềm ẩn hiểm họa khó lường đối với thanh thiếu niên, bởi tâm lý chung các em thường ưa khám phá, học hỏi thế giới xung quanh và muốn thể hiện bản thân; tâm lý nghĩ mình đã trưởng thành nên sẽ tự cho mình “quyền làm chủ” được mọi thông tin từ MXH; nhận thức chưa đầy đủ về các vấn đề chính trị – xã hội…. Chính vì vậy các em thiếu cảnh giác, dễ bị “đầu độc” bởi các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Theo thông tin từ Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa), khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho khoảng trên dưới 30 ca mắc hội chứng “nghiện” internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Những bệnh nhân này phần lớn ở độ tuổi từ 13-25, thời gian sử dụng Internet và mạng xã hội từ 8-10 giờ/ngày, có trường hợp “lướt mạng” thâu đêm suốt sáng. Biểu hiện thường thấy ở những bệnh nhân này là bỏ bê công việc, trầm cảm, sống thu mình, hạn chế giao tiếp với bên ngoài, ít ăn, ngủ kém, có triệu chứng rối loạn vận động, hay cáu gắt, phản ứng thái quá khi bị “tước” mất máy tính, điện thoại thông minh hay bị cắt nguồn internet, wifi…

Tăng sức đề kháng cho thanh niên trước tin xấu- độc

Mới đây, CLB Lý luận trẻ 7 trường Đại học trực thuộc Thành đoàn vừa mới tổ chức tọa đàm “Tăng sức đề kháng cho thanh niên trước tin xấu- độc” tại TP.HCM.

Tọa đàm “Tăng sức đề kháng cho thanh niên trước tin xấu- độc”, nhằm giúp các bạn trẻ nhận diện, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; từ đó nêu những giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với những thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội hiện nay, để mỗi bạn trẻ nâng cao ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội một cách thông thái, có “sức đề kháng” với các thông tin xấu độc.

Đại biểu đến từ các CLB Lý luận trẻ đến từ các trường đại học đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng sức đề kháng cho thanh niên trước thông tin xấu- độc. Ảnh: Hoàng Mẫn

Đại biểu đến từ các CLB Lý luận trẻ đến từ các trường đại học đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng sức đề kháng cho thanh niên trước thông tin xấu- độc. Ảnh: Hoàng Mẫn

Qua tọa đàm cũng nâng cao kỹ năng của các thành viên CLB Lý luận trẻ trong việc bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, đi ngược lại với các giá trị truyền thống tốt đẹp bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ và có tác động trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Các tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu trí thông minh nhân tạo đang được tạo ra mỗi ngày, bằng các dữ liệu lớn, các phần mềm cũng như các thuật toán mới giúp con người dự đoán được những lợi ích mang tính văn hóa trong cộng đồng xã hội của mình.

Đại biểu đến từ các CLB Lý luận trẻ đến từ các trường đại học đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng sức đề kháng cho thanh niên trước thông tin xấu- độc.

Dữ liệu thống kê từ Báo cáo Việt Nam Digital năm 2020 cho biết: Tính đến tháng 1/2020 tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam chiếm 70% dân số, 65% là tỷ lệ người Việt sử dụng mạng xã hội và hiện người dùng internet của Việt Nam ngày càng trẻ hóa, đa phần là đối tượng trong độ tuổi thanh niên. Điều này đòi hỏi tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần có giải pháp kịp thời đầy đủ các đặc điểm đó để có giải pháp cụ thể trong tiếp cận và định hướng thanh niên.

Các đại biểu đến từ các CLB Lý luận trẻ đến từ các trường đại học đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng sức đề kháng cho thanh niên trước thông tin xấu- độc.

Nhằm tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, định hướng, nâng cao kỹ năng sử dụng MXH an toàn cho đoàn viên, thanh niên, năm 2018, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã chỉ đạo thành lập tổ cộng tác viên cấp tỉnh, nhóm chuyên gia là những cán bộ, đoàn viên tiêu biểu từ các cấp bộ đoàn; chỉ đạo các cơ sở đoàn thành lập trang facebook riêng và kết bạn với trang facebook của Tỉnh đoàn Thanh Hóa.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Đến nay, 100% đơn vị đã thành lập được trang facebook cấp huyện, nhiều đơn vị đoàn xã đã xây dựng được trang facebook của đơn vị. Các tổ cộng tác viên, nhóm chuyên gia đã làm tốt công tác định hướng, tuyên truyền, tăng cường viết tin, bài, đăng ảnh hoạt động tuyên truyền về công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của các đơn vị trên mạng facebook nhận diện, phân tích các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn với chế độ để đấu tranh phản bác, tạo hiệu ứng lan tỏa đến đông đảo đoàn viên, thanh niên.

Bên cạnh đó, các tổ cộng tác viên, nhóm chuyên gia đã chia sẻ, bình luận về những gương người tốt, việc tốt, góp phần nhân rộng, lan tỏa những hành động đẹp, những giá trị nhân văn trong cuộc sống hàng ngày, củng cố niềm tin của đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

Xác định tầm quan trọng của mạng xã hội trong tuyên truyền, giáo dục định hướng giá trị sống cho thanh, thiếu nhi, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị đã tăng cường chỉ đạo các cấp bộ đoàn mở rộng và bám sát mặt trận tuyên truyền trên mạng xã hội, nhất là ứng dụng Facebook.

Tính đến hết năm 2018 các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đang khai thác hiệu quả hệ thống thông tin trên mạng xã hội của Đoàn Thanh niên thông qua 25 tài khoản, chuyên trang của đoàn cấp tỉnh và cấp huyện, 845 tài khoản, chuyên trang của các cơ sở đoàn. Bằng việc duy trì kênh thông tin này, ngoài làm tốt công tác kết nối, tương tác giữa tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh thiếu nhi; quảng bá, khẳng định vai trò của tổ chức đoàn trong sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng của quê hương, đất nước, đây còn là nơi “giải độc” thông tin, phản biện các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch chống phá nhằm định hướng, cung cấp cho thanh niên và người dùng mạng xã hội cái nhìn đúng đắn nhất về các vấn đề quan tâm.

Mới đây, trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã xác định một số giải pháp liên quan đến truyền thông xã hội rất đáng lưu ý. Đó là phải xác định rõ, truyền thông xã hội là môi trường mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của truyền thông truyền thống cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ những giá trị tiến bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh với những nhận thức, tư tưởng, quan điểm sai trái...

Sử dụng mạng xã hội để truyền tải những câu chuyện tốt, những việc làm hay của đoàn viên thanh niên cũng là cách để lan tỏa phong trào đoàn, hội, định hướng tư tưởng cho đoàn viên thanh niên. Ảnh: Diễm Quỳnh

Do đó, phải chủ động đánh giá, dự báo chính xác tình hình; chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc của người dân; khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, không để hình thành “điểm nóng”, những xu hướng (trend) tiêu cực trên MXH.

Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Trên hết, truyền thông xã hội khác biệt vì nội dung do người dùng tạo ra và thông tin mang tính cá nhân hóa cao, do đó sự quản lý của Nhà nước là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng.

Việc người dùng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội là rất quan trọng. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng MXH mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, người dùng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng đồng và dân tộc.

Theo thống kê của Trung ương Đoàn, đến hết năm 2019, cả nước có 61.330 Đoàn cơ sở có trang Facebook với hàng trăm ngàn tin tốt, câu chuyện đẹp được tuyên truyền. Trung ương Đoàn cũng đã phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” nhằm tạo xu hướng tích cực trên MXH về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đồng thời lấn át trước những thông tin xấu, độc hại đối với thanh niên.

Kim Hảo

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tang-suc-de-khang-cho-thanh-nien-truoc-tin-xau-doc-tren-mang-xa-hoi-127294.html