Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng GDP toàn ngành vẫn đạt khoảng 2,2%. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Do làm tốt công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cho nên vẫn duy trì tám nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD (trong đó có bốn mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều đạt hơn ba tỷ USD), đồng thời gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, A-rập Xê-út, Mỹ... Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm trước. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018.

Tuy nhiên, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đang có dấu hiệu chững lại do giá́ trị xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Trong khi đó năm 2020 được dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Ngoài tác động từ các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tác động từ cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến việc sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản chủ lực luôn đứng trước những rủi ro. Mặt khác, nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm lại ngày càng cao hơn...

Ðể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hơn 43 tỷ USD và đến năm 2025 có thêm năm mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ một tỷ USD trở lên, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu một tỷ USD trở lên, với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng tốp 10 của thế giới; cùng với việc phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp (gấp hai lần hiện nay) và 35.000 hợp tác xã nông nghiệp (gấp 2,3 lần hiện nay), ngành nông nghiệp cần tiếp tục cơ cấu lại sản xuất, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, cơ cấu sản xuất phù hợp, dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Ðồng thời kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42714602-tang-suc-canh-tranh-cho-san-pham-nong-nghiep.html