Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) dệt may lớn ở khu vực miền bắc, để làm hàng dệt may, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, xuất khẩu thành phẩm chiếm khoản chi phí rất lớn của DN.

Nếu như trước kia, các chi phí cho đường sá, cầu cảng, bến bãi,... chỉ chiếm 1,5% tổng doanh thu hằng năm của DN, nay đã tăng lên hơn 3%, tương đương khoảng 210 đến 230 tỷ đồng đối với một DN có tổng doanh thu khoảng 300 triệu USD/năm. Từ khi TP Hải Phòng thực hiện thu thêm phí hạ tầng cảng biển, các chi phí ngày càng tăng cao khiến DN không chỉ giảm doanh thu, khan hiếm nguồn vốn tái đầu tư, sản xuất kinh doanh mà còn giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt hơn 31 tỷ USD nhưng chi phí cho hoạt động logistics của các DN chiếm tới 9,1%, tương đương khoảng 2,79 tỷ USD. Ðiều đó cho thấy, chi phí dành cho các hoạt động logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước lân cận và trong khu vực. Cụ thể, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn 6% so với Thái-lan, 7% so với Trung Quốc, 12% so với Ma-lai-xi-a và cao gấp ba lần so với Xin-ga-po. Mặc dù có nguồn nhân công chi phí hợp lý nhưng chi phí logistics cao khiến ngành dệt may Việt Nam giảm tính cạnh tranh so với các đối thủ.

Ngoài ra, chi phí vận tải hiện cũng chiếm khoảng 30 đến 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 15% ở các quốc gia khác. Thí dụ, mức phí BOT tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khoảng 75 USD/ lượt đi về, tương đương chi phí xăng dầu của chuyến xe, chiếm 40 đến 42% tổng giá phí vận chuyển nội địa từ cảng về kho; trong khi tại Ma-lai-xi-a, chi phí BOT chỉ chiếm khoảng 6%. Bên cạnh đó, phụ thu của các hãng tàu cao (phí xếp dỡ hàng hóa (THC) từ 90 đến 250 USD; phí lệnh giao hàng (DO) từ 550 đến 730 nghìn đồng; phí CIC (bù chiều rỗng của công-ten-nơ) ở mức 60 USD/công-ten-nơ),… là những nguyên nhân khiến chi phí các hoạt động logistics tại Việt Nam đội giá lên rất cao.

Ngoài các khoản phí và lệ phí nêu trên, các DN dệt may đang phải đối mặt sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các đối thủ trong khu vực và trên thế giới khi giá nhân công ngày càng tăng. Nhất là khoản thu 3% kinh phí công đoàn, chính sách điều chỉnh tiền lương tăng liên tục trong vài năm qua đã và đang tạo gánh nặng đối với DN. Ðã đến lúc, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong việc huy động vốn, ưu đãi thuế, đất đai, nhà xưởng đồng thời giảm các phí, lệ phí về kho bãi, cầu cảng, vận chuyển,... nhằm tạo bệ đỡ để DN phát triển.

Khi nhu cầu của các DN dệt may và DN cung ứng dịch vụ logistics chưa kết nối được với nhau, các DN có thể xem xét tới khả năng mua chung nguyên phụ liệu nhằm giảm chi phí vận chuyển. Cùng với đó là thay đổi tập quán kinh doanh, chuyển nhập khẩu nguyên phụ liệu từ hình thức CIF (DN vận chuyển chủ động đàm phán cước quốc tế, nhà sản xuất chỉ nhận hàng) sang hình thức FOB (nhà sản xuất chủ động chỉ định dịch vụ vận chuyển và cước quốc tế),…

QUỲNH CHI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37679502-tang-suc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep.html