Tầng sâu văn hóa và tư duy đương đại

Những câu chuyện về lịch sử và văn hóa, sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và kiến trúc tạo nên bầu không khí khác biệt

Khai mạc vào chiều 28-9 kéo dài tới hết ngày 18-11, Kenny Nguyễn và Trương Quế Chi cùng vn-a đã đem đến cho Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (quận 2, TP HCM) không gian nhuốm màu huyền ảo.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của Kenny Nguyễn (tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật và Thiết kế Lesley, bang Massachusetts - Mỹ) mang tên "Vảy| mực", trưng bày loạt tranh vẽ lấy cảm hứng từ hình thể phong phú của những thực thể huyền bí nơi biển sâu, kết hợp với sự pha trộn giữa kiến trúc thuộc địa và đình chùa cổ ở TP HCM. Những đường nét kiến trúc này kể cho Kenny nghe một câu chuyện lịch sử và văn hóa, vừa thân thuộc vừa lạ lẫm với anh, một nghệ sĩ trẻ vừa trở về Việt Nam vào năm 2015, sau 7 năm sống và học tập ở nước ngoài.

Tác phẩm “Ước” (2018) của Kenny Nguyễn với chất liệu giấy vàng mã, màu nước, mực trên giấy

Kenny Nguyễn thực hành sáng tác bằng kỹ thuật in ấn đồ họa và đóng sách, đòi hỏi sự dung hòa của nhiều loại nguyên vật liệu, đặc biệt là giấy. Chàng trai trẻ dành tình yêu đặc biệt cho nghệ thuật với giấy, đặc biệt là các loại giấy có nguồn gốc Á Đông như giấy dó của Việt Nam hay giấy kitaka của Nhật vì tính mỏng cũng như khả năng hấp thụ mực khá tốt của chúng. Kenny biến những lớp kiến trúc này thành lớp áo bọc bên ngoài các sinh vật hư cấu. Những nhân vật này "sống" hay "ẩn náu" dưới lớp vảy/vỏ bọc đầy màu sắc của sự tích tụ văn hóa.

Khai mạc cùng lúc với "Vảy| mực" là triển lãm "Cao/độ/chiều" - một triển lãm đôi của nghệ sĩ Trương Quế Chi và văn phòng kiến trúc vn-a, đánh dấu sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và kiến trúc, giới thiệu cách thức ánh sáng được truyền đạt, cảm nhận, diễn giải trong bối cảnh và không gian của một triển lãm nghệ thuật đương đại.

Các nghệ sĩ đã biến đổi Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory thành một không gian đa tuyến mờ ảo, thông qua ánh sáng phát ra từ những tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, nhiếp ảnh và điện ảnh được bố trí cùng cấu trúc lam gỗ riêng biệt. Sự sắp xếp hiện vật và kiến trúc với tầm vóc này, lần đầu tiên được thực hành tại Việt Nam, tạo nên bầu không khí khác biệt. Cảm giác tò mò và không xác định trong lần đầu tiên tiếp cận một nơi chốn lạ tựa như chuyến đi điền dã mang tính nhân học.

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành nghiên cứu điện ảnh tại Đại học New Sorbonne Paris 3, Trương Quế Chi hoạt động trong cả hai lĩnh vực nghệ thuật thị giác và điện ảnh dưới vai trò nhà làm phim, nghệ sĩ và giám tuyển, hiện là một nghệ sĩ sống và làm việc tại Việt Nam. Nguyễn Tuấn Dũng và Vũ Hương - văn phòng kiến trúc vn-a, là thành viên Kiến trúc sư Đoàn CHLB Đức (BDA). Sự kết hợp giữa Trương Quế Chi và văn phòng kiến trúc vn-a trở thành vòng thông diễn nhiều chiều giữa ánh sáng, không gian và vật thể.

Triển lãm được thực hiện bởi giám tuyển Arlette Quỳnh - Anh Trần, với sự cố vấn từ kiến trúc sư Nguyễn Anh Cường.

HÒA BÌNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tang-sau-van-hoa-va-tu-duy-duong-dai-20181006214412619.htm