Tăng quỹ đất giao thông chống ùn tắc: Làm nhiều đường mới, mở rộng đường cũ

Theo chuyên gia giao thông, để đạt được mục tiêu tăng quỹ đất cho giao thông, Hà Nội cần có những giải pháp đột phá...

Công khai lộ trình để đạt bằng được tỷ lệ đất dành cho giao thông, đấu giá quỹ đất, chú trọng công trình giao thông công cộng, mở thêm đường mới là những giải pháp được đề xuất…

Đất dành cho giao thông của Hà Nội vẫn đạt tỷ lệ thấp, ùn tắc hàng ngày là nỗi ám ảnh của người dân. Ảnh: Tạ Hải

Đất dành cho giao thông của Hà Nội vẫn đạt tỷ lệ thấp, ùn tắc hàng ngày là nỗi ám ảnh của người dân. Ảnh: Tạ Hải

Tỷ lệ đất dành cho giao thông phải đạt 16 - 26%

Nghị quyết Trung ương 6 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể, trong đó tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, năm 2030 đạt trên 50%.

Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt 1,5 - 1,9% vào năm 2025 và 1,9 - 2,3% vào năm 2030.

Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16% vào năm 2025, 16 - 26% vào năm 2030.

Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định quan điểm mục tiêu phát triển và các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cho phát triển Thủ đô Hà Nội.

“Thừa nhận tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội vẫn đạt tỷ lệ thấp, ùn tắc hàng ngày là nỗi ám ảnh của người dân, đất dành cho giao thông tính đến nay đạt khoảng 10,8% trên đất xây dựng đô thị, trung bình mỗi năm tăng 0,3%”, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, TP Hà Nội cũng nhận thức rõ công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thủ đô vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức.

“Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị còn hạn chế, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hóa, tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao, phát triển đô thị chưa toàn diện”, ông Tuấn nói.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua thành phố đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị. H

Hàng loạt công trình được hoàn thành, đưa vào khai thác như: Đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên; cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên; hoàn thiện kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5...

Trung ương cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như: Đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân… từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô.

Tuy nhiên, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông còn thấp, trong khi tốc độ của phương tiện tăng chóng mặt khiến tình trạng ùn tắc trên địa bàn Thủ đô còn diễn biến phức tạp.

Đề xuất hàng loạt dự án ưu tiên triển khai

Khẳng định Hà Nội sẽ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu về giao thông đô thị theo định hướng tại Nghị quyết Trung ương 6, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ tập trung vào các giải pháp đổi mới, sáng tạo, bám sát vào thực tiễn của địa phương.

Cụ thể, Hà Nội sẽ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với Chương trình phát triển đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng như: Xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đai như: QL1A, QL6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5…; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Mở rộng không gian phát triển cho TP, tạo sức hút giãn mật độ dân cư ra ngoài khu vực trung tâm đô thị, từ đó định hướng và phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực lên hệ thống đường giao thông hiện có... cũng là những giải pháp được triển khai.

Ngoài ra, tới đây thành phố sẽ tập trung phát triển các huyện lên quận, phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện phát triển thành quận, đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận…

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, để tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng dần trong các năm tiếp theo, cần phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là việc quan trọng hàng đầu.

Sở sẽ tích cực phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch đầu tư công của trung ương và thành phố, bao gồm: Hệ thống đường vành đai, các nút giao thông, các cầu qua sông, các tuyến quốc lộ, trục hướng tâm...

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, thành phố sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung đầu tư, đưa vào khai thác theo từng giai đoạn bảo đảm tính khả thi.

Ông Viện cho biết, vừa qua Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thành phố danh mục các công trình giao thông quan trọng cần ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Trong đó có 6 dự án đường sắt đô thị; 7 công trình đường vành đai; 9 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống; 5 dự án cải tạo quốc lộ qua địa bàn Hà Nội; 7 nút giao thông, hầm chui... Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư là 150.571 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố là 139.427 tỷ đồng và vốn vay ưu đãi là 31.144 tỷ đồng…

Nhiều tuyến đường cũ cần được mở rộng

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia giao thông, để đạt được mục tiêu tăng quỹ đất cho giao thông, Hà Nội cần có những giải pháp đột phá, đi kèm là quyết tâm nỗ lực thực hiện.

Theo bà Thủy, cùng với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, di dời cơ quan, trường học ra khỏi nội đô, cần ưu tiên cho giao thông công cộng.

Đồng thời, nhiều tuyến đường trong thời gian tới cần phải được mở rộng hơn, bởi các tuyến này đa phần được xây dựng từ 10 - 20 năm trước, khi phương tiện còn chưa lớn như hiện nay.

Một trong những giải pháp để tăng diện tích mặt đường là đấu giá quỹ đất một cách công khai, minh bạch; có chỉ tiêu cho giao thông rõ ràng để doanh nghiệp đầu tư nhà ở, khu đô thị cần phải quan tâm đến tỷ lệ đất giao thông dành cho cư dân đến sinh sống và làm việc.

“Bên cạnh đó, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông phải được thực hiện đồng thời với nâng thị phần của vận tải hành khách công cộng; quyết liệt thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân.

Giao thông công cộng cần được ưu tiên nguồn vốn và đường dành riêng tương xứng, đặc biệt là những hành lang kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ, trường đại học...”, bà Thủy góp ý.

Bài 1: Đường không mở rộng còn bị “bức tử” bởi cao ốc

Theo UBND TP Hà Nội, để phát triển hoàn thiện khu vực đô thị trung tâm theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 5 huyện tới đây lên quận gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ được rà soát, tính toán chỉ tiêu mật độ đường giao thông đô thị thông qua tham mưu của các Sở, ngành Hà Nội.

Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cũng sẽ xem xét, hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính toán xác định chỉ tiêu mật độ đường giao thông đô thị, tránh tình trạng đất dành cho giao thông không tương xứng với đất dành cho đô thị.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tang-quy-dat-cho-gt-de-chong-un-tac-lam-nhieu-duong-moi-mo-rong-duong-cu-d561632.html