Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại TP. Đà Nẵng: Tuyên truyền từ tuyến cơ sở

Nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên nhằm giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, mỗi địa phương một cách làm, tại TP. Đà Nẵng, công tác tuyên truyền từ tuyến cơ sở được xem là giải pháp hữu hiệu kiềm chế hiệu quả những lo ngại về tệ nạn xã hội gia tăng ở một đô thị đang trên đà phát triển.

Tư vấn cho học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng

Tư vấn cho học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng

Mỗi địa phương một cách làm

Từ chỗ là địa bàn thuộc diện điểm nóng về ma túy, tệ nạn xã hội (TNXH), bắt đầu bằng việc phối hợp với các hội, đoàn thể có liên quan để chủ động lồng ghép các nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS với các mô hình “Tổ dân phố không có tội phạm và TNXH”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, công tác phòng chống TNXH tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đã đem lại những kết quả không ngờ.

Thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng và sự tham gia tích cực của người dân trong công tác phòng chống TNXH, quận Sơn Trà tiếp tục vận động và triển khai chiến dịch gia đình, tộc họ, cơ quan, đơn vị, khu dân cư đăng ký “không có tội phạm và tệ nạn ma túy”, trong đó khuyến khích cộng đồng cùng tham gia phát hiện, tố giác các tụ điểm phát sinh đối tượng ma túy, mại dâm. Nhờ vậy, số người nghiện ma túy phát sinh mới trên địa bàn quận đã giảm đáng kể, tỷ lệ tái nghiện cũng không còn cao như trước.

Theo UBND quận Sơn Trà, có được những kết quả này chính là nhờ vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân. Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm, ma túy, thu hút sự tham gia của gần 4.000 lượt người. Ngoài ra, để quản lý tốt các đối tượng sau cai nhằm hạn chế tỷ lệ tái nghiện trở lại, UBND các phường trên địa bàn quận còn tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại với các đối tượng đang trong diện quản lý sau cai, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ nhằm có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

Tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng, xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đóng vai trò quan trọng để làm tốt công tác phòng chống TNXH, ngoài việc duy trì chuyên đề về phòng, chống TNXH, phòng chống ma túy, mại dâm định kỳ hằng tuần trên các phương tiện truyền thanh quận, UBND các phường còn tổ chức hơn 45 đợt tuyên truyền với trên 18.000 lượt người tham dự; tổ chức mít tinh diễu hành về phòng, chống ma túy, mại dâm và TNXH tại các khu vực và lưu động với trên 1.100 người tham gia. Quận cũng chỉ đạo các phường tổ chức mời gặp mặt các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn, qua đó tuyên truyền các chính sách pháp luật về phòng, chống TNXH và nhắc nhở các đối tượng chấp hành nghiêm chính sách pháp luật…Đặc biệt, với cách tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về “Thành phố 4 an” như cách làm của phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) về phòng, chống tội phạm và TNXH đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân các khu dân cư.

Gần 3.000 lượt học viên và thân nhân được tư vấn về tác hại của ma túy

Chi cục Phòng, chống TNXH TP. Đà Nẵng cho biết, đối với công tác phòng chống TNXH, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân có vai trò hết sức quan trọng, bởi chỉ khi ý thức được tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS… đối với bản thân và con em của họ thì họ mới biết cách bảo vệ gia đình mình khỏi các TNXH.

Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, ngoài việc xây dựng các chuyên tin về lĩnh vực phòng, chống TNXH; tổ chức lắp đặt pano tuyên truyền phòng, chống ma túy tại 30 điểm gần trường học, khu dân cư đông đúc; cấp phát 6.400 tời rơi, 188 băng rôn tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, TP. Đà Nẵng cũng đã tư vấn cho hơn 2.827 lượt học viên và thân nhân gia đình học viên nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại của ma túy và thực trạng nghiện của con em mình, từ đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn con em quay trở lại con đường nghiện ma túy.

Chi cục Phòng, chống TNXH TP. Đà Nẵng cũng cho biết, tính đến hết tháng 9/2017, TP. Đà Nẵng có 490 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, trong đó có 24 người cai nghiện tự nguyện, 26 người ngoài thành phố; 320 người tham gia điều trị Methadone; 680 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú và 24 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng.

Công tác tổ chức cai nghiện tập trung được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ từ công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý, tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, tổ chức lao động trị liệu, bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thẩm lậu các chất kích thích. Địa phương cũng đang phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố mở 3 lớp đào tạo các nghề gồm: điện dân dụng, sửa chữa xe máy, kỹ thuật dân dụng cho 70 học viên đang cai nghiện tập trung.

BÙI MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cong-tac-phong-chong-te-nan-xa-hoi-tai-tp-da-nang-tuyen-truyen-tu-tuyen-co-so-d66843.html