Tăng phí qua hầm Hải Vân, doanh nghiệp vận tải thêm lao đao

'Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả không thể lấy lý do khó khăn để tìm cách trút gánh nặng về phí xuống người dân như vậy', giám đốc một doanh nghiệp vận tải bức xúc.

Sau thông tin tăng giá vé qua hầm Hải Vân, nhiều doanh nghiệp vận tải và người dân "than trời" vì chi phí cao hơn nhiều so với tiền xăng đi từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên - Huế.

"Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đột ngột tăng phí qua hầm Hải Vân lễ 1/5 như 'cú đá bồi' khiến người dân, doanh nghiệp chưa kịp gượng dậy sau dịch Covid-19 phải đối mặt thêm khó khăn", ông Trần Văn An, giám đốc một công ty vận tải ở Đà Nẵng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, biện hộ lần điều chỉnh giá này được nhà đầu tư tính toán kỹ, phù hợp với hợp đồng và phương án tài chính được phê duyệt. Vị này mong người dân, doanh nghiệp vận tải chia sẻ với đơn vị.

Khó khăn chồng chất

Anh Nguyễn Văn Đức (quê Đà Nẵng) cho biết gia đình anh có 2 xe đầu kéo chở hàng bằng container 20 feet. Trước đây, anh Đức chỉ mất khoảng 180.000 đồng mỗi xe khi chở hải sản từ Đà Nẵng ra TP Huế.

"Từ 1/5, tôi phải trả thêm 30.000 đồng cho mỗi chuyến xe ra TP Huế. Người dân vốn đã gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, nay lại thêm phí nữa", anh Đức than thở.

 Phía nam hầm Hải Vân. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Phía nam hầm Hải Vân. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Anh Trần Duy Đạt (trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) thường xuyên di chuyển bằng ôtô từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên - Huế với khoảng cách hơn 100 km. Anh Đạt trả 100.000 đồng tiền xăng, 105.000 đồng phí qua trạm Phú Bài (35.000 đồng) và Bắc Hải Vân (giá vé cũ là 70.000 đồng) cho mỗi chuyến ra tỉnh Thừa Thiên - Huế.

"Nay chủ đầu tư tăng giá vé qua trạm Bắc Hải Vân lên 110.000 đồng. Tổng tiền phí cho chuyến đi sẽ là 145.000 đồng, quá tốn kém", anh Đạt nói và nhấn mạnh chủ đầu tư tăng phí qua hầm Hải Vân không hợp lý.

Là giám đốc một công ty kinh doanh vật tải ở Đà Nẵng, ông Trần Văn An nói Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

"Việc chủ đầu tư đột ngột tăng giá vé đối với chủ phương tiện qua trạm thu phí Bắc Hải Vân là vô lý. Doanh nghiệp chưa kịp gượng dậy sau dịch Covid-19 lại phải đối mặt thêm khó khăn", ông An chia sẻ.

Vị giám đốc này nói thêm gần năm qua, các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng do dịch Covid-19 bùng phát. Doanh nghiệp mới hoạt động trở lại được vài tháng, chưa có doanh thu.

"Khi dịch tạm được khống chế, mỗi chuyến xe ra Thừa Thiên - Huế và ngược lại may mắn lắm mới có 10 khách. Chúng tôi thu tiền của khách không đủ chi phí xăng, dầu nhưng vẫn cho xe chạy để duy trì. Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tăng phí cao như thế khiến người dân gặp khó khăn, khả năng phải bán xe”, ông An nói.

Không thể trút gánh nặng xuống người dân

Lý giải về việc tăng phí qua trạm Bắc Hải Vân, ông Huy nói Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp tư nhân, phải vay vốn ngân hàng nên chịu áp lực rất lớn.

Khi hầm Hải Vân 2 đi vào hoạt động, nhà đầu tư đã gặp khó khăn về tài chính để duy tu, vận hành. Nếu doanh nghiệp không tăng phí thì không còn vốn để vận hành hầm Hải Vân, hầm Phú Gia - Phước Tượng và trả lãi ngân hàng.

“Chúng tôi không có giải pháp nào khác là phải điều chỉnh giá vé qua trạm Bắc Hải Vân”, ông Huy cho biết.

Từ ngày 1/5, phí qua hầm Hải Vân sẽ tăng thêm 30.000-70.000 đồng/lượt. Ảnh: Đ. Nguyên.

Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, cũng lý giải như trên và mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ.

“Chúng tôi không đủ kinh phí để vận hành hầm Hải Vân 2 sau khi đã trả lãi ngân hàng. Doanh nghiệp đã tạm gác những khó khăn đó để đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động. Chúng tôi mong người dân chia sẻ một phần khó khăn”, ông Thế nói.

Lãnh đạo nhiều công ty vận tải ở Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế không đồng tình với giải thích của chủ đầu tư. Bởi theo họ, doanh nghiệp không thể viện dẫn khó khăn do trả lãi ngân hàng để tăng phí.

"Chủ đầu tư không thể viện dẫn lý do khó khăn để tìm cách trút gánh nặng về phí xuống dân như vậy. Khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, họ đâu có chia cho dân", ông Lan, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải nêu ý kiến.

Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa hàng hải dịch vụ Đà Nẵng, cho rằng việc chủ đầu tư tăng phí qua hầm Hải Vân sẽ tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Sắp tới, đơn vị này có văn bản đề xuất các đơn vị liên quan, nhằm có chính sách tốt cho doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng.

Theo chủ đầu tư, từ ngày 1/5, phương tiện dưới 12 ghế ngồi, ôtô tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng được điều chỉnh giá từ 70.000 đồng lên 110.000 đồng/lượt.

Đối với xe 12-30 ghế ngồi, ôtô tải có tải trọng 2-4 tấn được điều chỉnh phí từ 90.000 đồng lên 160.000 đồng/lượt.

Xe 31 ghế ngồi trở lên, ôtô tải có tải trọng từ 4 đến dưới 10 tấn được điều chỉnh từ 140.000 đồng lên 200.000 đồng/lượt.

Xe có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, ôtô chở hàng bằng container 20 feet được điều chỉnh từ 180.000 đồng lên 210.000 đồng/lượt.

Xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, ôtô chở hàng bằng container 40 feet được điều chỉnh từ 240.000 đồng lên 280.000 đồng/lượt.

Đoàn Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tang-phi-qua-ham-hai-van-doanh-nghiep-van-tai-them-lao-dao-post1209138.html