Tăng phí BOT sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu

'Yêu sách' đòi tăng phí BOT lại được đưa ra không lâu sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo về việc 'khoan thư sức dân', thực hiện chính sách giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế phí trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Theo lộ trình thì phải tăng?

Đầu tháng 11/2020, lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho biết đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nhiều vấn đề tồn tại của những dự án BOT. Trong đó, mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT thời gian qua không được tăng theo lộ trình cam kết làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của nhiều dự án. Theo VARSI, việc chưa được tăng phí theo lộ trình thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với những cam kết trong hợp đồng đã ký.

 Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hùng

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hùng

Lãnh đạo VARSI cho rằng, các chính sách thuế, phí hay quản lý, sử dụng tài sản công hoặc thay đổi gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng đến đầu tư dài hạn những dự án giao thông. Luật PPP mới được Quốc hội thông qua đã có quy định Nhà nước chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới song chưa làm rõ cơ chế, hướng dẫn đối với các dự án đã và đang triển khai.
Đây không phải lần đầu tiên việc tăng phí BOT được nhắc đến. Trước đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ GTVT đã hai lần kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí để giảm khó khăn cho DN BOT do các dự án bị giảm thu từ năm 2019 và do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bộ GTVT cũng đưa ra hai phương án để lựa chọn. Thứ nhất là cho phép DN được tăng phí theo hợp đồng dự án đã ký kết. Phương án thứ hai là giữ nguyên mức phí như hiện nay và chỉ tăng theo lộ trình trong hợp đồng từ 2022 nhưng Nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án khi chưa được tăng phí.
Doanh nghiệp vận tải và người dân sẽ không chịu nổi
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc “khoan thư sức dân”.

Cụ thể, trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 19/8 khi bàn đến phương án dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tính đến các yêu cầu “khoan thư sức dân”, tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế phí trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài. “Chỉ đạo của Thủ tướng mới cách đây không lâu nhưng DN BOT đã lại đòi tăng phí BOT” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Theo chuyên gia kinh tế này, tăng phí BOT theo lộ trình là căn cứ theo đúng hợp đồng, tuy nhiên, cần phải thấy rằng dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Thời điểm này là lúc miễn giảm thuế phí, giãn nợ ngân hàng và thực hiện các gói cứu trợ tới người dân và DN chứ không phải đòi tăng phí.

Chuyên gia Ngô Trí Long phân tích thêm: “Yêu sách đòi tăng phí BOT được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong năm 2020 là năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Đây là điều không thể chấp nhận được. Ban đầu là Bộ GTVT đề xuất, sau đó là phía DN BOT đề xuất, cơ quan đề xuất khác nhau nhưng nội dung lại giống nhau”.

Theo chuyên gia này, Bộ GTVT và DN BOT liên tục kêu dịch Covid-19 khiến doanh thu tại các dự án BOT bị sụt giảm và lấy đây là một trong những lý do để đòi tăng phí BOT. Cách lý luận thể hiện sự ích kỷ khó chấp nhận được bởi tất cả các DN và người dân đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chứ không riêng DN BOT.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, hiện ngành vận tải nói chung và các DN vận tải nói riêng đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nếu tăng phí BOT vào lúc này chắc chắn sẽ làm tăng chi phí vận tải, gây khó khăn cho DN. “Tăng phí BOT sẽ cấu thành vào giá vận tải, tăng giá cước, ảnh hưởng đến giá hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ trong nước, tác động liên đới đến toàn xã hội” – ông Quyền nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc tăng phí này cần phải được xem xét lại và rà soát cụ thể ở từng trạm thu phí. Đặc biệt, cần xem xét thật kỹ thời điểm tăng, không nên tăng đồng loạt sẽ gây phản ứng của người dân và khó khăn cho DN vận tải trong tình cảnh hiện nay.

"Tăng phí BOT vào lúc này sẽ tạo ra rất nhiều hệ quả xấu đến kinh doanh sản xuất và đời sống dân sinh. Giải pháp khả thi nhất lúc này là thay thế việc tăng phí bằng kéo dài thêm thời gian thu phí. Các DN BOT cũng phải biết chia sẻ khó khăn với người dân và cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến toàn xã hội như hiện nay." - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, PGS.TS Ngô Trí Long

"Việc tăng hoặc giảm hoặc thu phí BOT không thể tự tiện đề nghị là được. Cần căn cứ vào các cơ sở pháp lý đồng thời phải được giải trình minh bạch. Tuyến nào, địa điểm nào, mức hợp đồng là bao nhiêu và tại sao lại nâng. Tất cả phải được công khai và đánh giá đúng." - Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tang-phi-bot-se-dan-den-nhieu-he-luy-xau-401276.html