Tăng phí BOT, sao đẩy rủi ro cho dân ?

Nhiều bạn đọc nhận xét BOT cũng là một hình thức kinh doanh, việc các doanh nghiệp lập DA không phù hợp thực tế thì lỗ ráng chịu, sao lại đẩy rủi ro của doanh nghiệp sang người sử dụng dịch vụ?

Bộ GTVT đề xuất tăng phí với 49 dự án BOT theo lộ trình trong giai đoạn 2019 - 2021 - Ảnh: M.H

Bộ Giao thông vận tải đang đưa ra dự thảo lấy ý kiến trình Chính phủ việc tăng phí BOT theo lộ trình do nhiều dự án BOT bị sụt giảm doanh thu, nguy cơ phá vỡ phương án tài chính.

Người dân sử dụng dịch vụ nói chung, công trình giao thông ngày một kém đi do khấu hao, thì tại sao lại tăng phí, như vậy đi đường cũ (xấu) dần mà phải nộp phí tăng dần, sao ngược vậy?
( Nguyễn Phúc Lâm , Hải Dương)

Nếu kiểm toán ra trạm BOT thu dư hoặc lượng xe nhiều hơn dự kiến thì có giảm giá và giảm thời gian thu cho người dân không?
( Từ Luân , TP.HCM)

Cụ thể, bộ này đề xuất 2 phương án. Phương án 1, tăng phí trong giai đoạn từ năm 2019 - 2021.

Theo hợp đồng đã ký, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 có 49 dự án (DA) phải tăng phí theo lộ trình. Bộ sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ để xem xét tăng phí trong giai đoạn này. Riêng trong năm 2019 chỉ đàm phán tăng phí đối với các DA có sụt giảm doanh thu lớn để hạn chế các hệ lụy xấu. Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện việc tăng theo hợp đồng từ năm 2022.

Theo phương án này, 49 DA có lộ trình tăng phí trong giai đoạn từ 2018 - 2021 sẽ bắt đầu tăng phí từ năm 2022. Theo tính toán, sẽ có khoảng 9 DA bị phá vỡ phương án tài chính và dự kiến nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ các DA này đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính DA.

Cần kiểm toán các dự án BOT

Liên quan đến vấn đề này, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng BOT cũng là một hình thức kinh doanh, việc các doanh nghiệp lập DA không phù hợp thực tế thì lỗ ráng chịu, sao lại đẩy rủi ro của doanh nghiệp sang người sử dụng dịch vụ. BĐ A.T (TP.HCM) bức xúc: "Đâu có cái chuyện nghịch lý như vậy được! Chủ đầu tư BOT làm ăn tính toán sai thua lỗ bắt dân gồng thêm phí à?".

BĐ Nguyễn Xuân Huy (TP.HCM) cho rằng tăng phí qua trạm BOT thì đương nhiên doanh nghiệp phải cộng phí vào giá thành hàng hóa. Lại dẫn đến trượt giá, lạm phát nữa, sau một loạt yếu tố điện tăng, xăng tăng gần đây. "Thấy cũng lạ, càng ngày số lượng phương tiện vận tải qua trạm phải càng tăng, nên nguyên tắc là những năm sau doanh thu qua trạm phải tăng hơn năm trước. Nhưng ở đây Bộ GTVT lại nói là doanh thu BOT bị sụt giảm? Quan trọng nhất là Bộ GTVT có xác định được doanh thu thực tế các trạm BOT giảm hay không?", BĐ Nguyễn Xuân Huy tiếp tục đặt nghi vấn.

Đồng quan điểm, BĐ Ngọc (Hà Nội) cho rằng cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thu phí BOT, tránh thất thoát nguồn thu. Tuyệt đối không tăng phí thời điểm này, thay vào đó kiểm toán lại chi phí đầu tư và công bố công khai. Bên cạnh đó, lập các đoàn kiểm đếm lưu lượng xe ở các thời điểm khác nhau để có phân tích cụ thể... Sau khi có kết quả thì mới tính đến chuyện tăng hay giảm.

Phải chấn chỉnh bất cập BOT trước

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng xung quanh quản lý đầu tư, xây dựng BOT còn nhiều vấn đề phải giải quyết như đặt vị trí không đúng, người sử dụng đường bộ không có lựa chọn, đường cũ nâng cấp thu phí bằng đường mới đầu tư...

Nhiều BĐ đồng tình với ý kiến của ông Quyền. BĐ Hồng Hải (TP.HCM) cho rằng hiện nay vấn đề BOT còn quá nhiều bất cập như trạm đặt sai vị trí gây bức xúc nơi người dân thời gian qua, các trạm thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp đường độc đạo lại bị thu phí như đầu tư mới... Vì vậy, trước tiên cần phải chấn chỉnh tất cả các DA BOT có vấn đề trên cả nước, sắp xếp lại hợp lý rồi sau đó mới tính đến chuyện có nên tăng phí hay không, nếu tăng thì phải có lộ trình và đều phải được giám sát chặt chẽ.

Đ.Huân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/lang-kinh-ban-doc-tang-phi-bot-sao-day-rui-ro-cho-dan-1090867.html