Tăng ngày nghỉ dịp Quốc khánh để tạo điều kiện cho cha mẹ đưa con đến trường

Tổng Liên đoàn lao đông Việt Nam (LĐLĐ) đề nghị tăng thêm một số ngày nghỉ trong năm.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam

"Với số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế, chủ yếu là lao động di cư nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất ba ngày nghỉ là cần thiết" là chia sẻ của ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam thông tin với báo chí.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất hai phương án cụ thể. Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh bốn ngày, từ 2-5/9 hàng năm. Phương án 2: Nghỉ một ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và hai ngày thêm vào ngày nghỉ Tết Dương lịch.

“Hiện nay chúng ta có 10 ngày nghỉ trong năm và chúng tôi đề nghị tăng thêm 3 ngày nữa là từ mùng 3 đến mùng 5/9 vào Dịp Quốc khánh. Lấy một ví dụ đơn cử như quốc gia láng giềng có sự tương đồng chế độ chính trị với chúng ta là Trung Quốc, người ta nghỉ một tuần Quốc khánh, còn ở Việt Nam đó là ‘dịp Quốc khánh’ và chỉ được nghỉ một ngày. Hơn thế nữa, phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người trong việc nghỉ ngơi, tái tạo lại sức lao động, mà đây còn là thời điểm gần ngày khai giảng. Với truyền thống hiếu học của Việt Nam, đây sẽ là dịp để các bậc cha mẹ có điều kiện chuẩn bị và dắt tay con đến trường trong năm học mới”, ông Quảng nhấn mạnh.

Không chỉ đề xuất tăng ngày nghỉ, ông Lê Đình Quảng cũng cho biết, “Tổng LĐLĐ đang đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động (NLĐ) từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần”.

Theo ông Quảng, có nhiều lý do để Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra đề xuất này. Đầu tiên, theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nay trên thế giới chỉ còn khoảng 40 nước có thời giờ làm việc cao nhất thế giới, tức 48 giờ/ tuần và Việt Nam thuộc nhóm những nước này. Giờ làm thêm ở mức trung bình nhưng hiện tượng vi phạm khá phổ biến, với 39,5% doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định giờ làm thêm. Thời gian nghỉ lễ, tết của Việt Nam rất thấp với chỉ 10 ngày/ năm. Nghỉ phép khởi điểm chỉ có 12 ngày, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Tiếp đó, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng chung của toàn nhân loại. Tại Đại hội đồng Tổ chức Lao động quốc tế (1935) đã thông qua Công ước số 47 về kích thích cải tiến, giảm giờ làm xuống 40 giờ/ tuần. Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia đã giảm giờ làm cho NLĐ xuống dưới 48 giờ/tuần. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã có thành quả nhất định về kinh tế, xã hội, do vậy NLĐ cũng cần được giảm giờ làm. Họ cần được hưởng những quyền lợi về điều kiện chăm sóc sức khỏe, được nghỉ ngơi, vui chơi, chăm sóc gia đình, có điều kiện nâng cao kỹ năng cuộc sống, văn hóa hưởng thụ…

Một lý do nữa được Phó trưởng Ban Quan hệ lao động đưa ra, “vào năm 1999, Việt Nam đã có quyết định 188 cho phép cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong khu vực nhà nước làm việc 40 giờ/tuần. Từ đó đến nay đã 20 năm quy định này được thực hiện ở CBCCVC, nhưng NLĐ vẫn phải làm việc 48 giờ/ tuần. Điều đó là không công bằng giữa giai cấp công nhân”.

Xuất phát từ những thực tế trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhận thấy rằng, đề xuất giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/ tuần trong việc sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này là cần thiết và có cơ sở, nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân, NLĐ.

Bùi Mến

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/tang-ngay-nghi-dip-quoc-khanh-de-tao-dieu-kien-cho-cha-me-dua-con-den-truong-471424.html