Tăng ngân sách quốc phòng lên mức lịch sử để khôi phục sức mạnh quân sự Mỹ

Phát biểu tại lễ ký phê chuẩn dự luật mang tên Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) ngày 13-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: 'Dự luật quốc phòng sẽ giúp chúng ta đẩy nhanh tiến trình khôi phục hoàn toàn sức mạnh quân sự của Mỹ'.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, phía trước) ký phê chuẩn Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) tại Washington DC., ngày 13-12

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, phía trước) ký phê chuẩn Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) tại Washington DC., ngày 13-12

NDAA trước đó đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn với sự đồng thuận cao, theo đó sẽ chi 626 tỷ USD cho nhu cầu ngân sách quân sự cơ bản, 66 tỷ USD cho các chiến dịch đột xuất ở nước ngoài và thêm 8 tỷ USD cho các hoạt động quốc phòng khác.

Chi tiêu quốc phòng được coi là một phần của cơ chế phức hợp quân sự - công nghiệp Mỹ. NDAA cho phép tăng chi tiêu để mua mới các máy bay chiến đấu F-35, tàu chiến và xe tăng M1 Abrams, phát triển loại máy bay không người lái siêu nhỏ tốc độ và độ bền rất cao, có thể tấn công từ đằng sau một máy bay chiến đấu di chuyển với tốc độ lớn hay phát triển các loại bom cỡ nhỏ có gắn camera và thiết bị cảm biến để cải thiện khả năng định vị. Ngoài ra, trong các dự án còn có phát triển tàu robot, súng bắn siêu tốc và đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển vũ khí, công nghệ quốc phòng.

Hơn nữa, ngân sách này còn bao gồm các chương trình vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng Mỹ, cũng như Bộ Quốc phòng, cộng với các dự án của Bộ An ninh Nội địa và các chương trình quân sự của Bộ Ngoại giao... Vì thế, theo giới chuyên gia, đạo luật này có thể sẽ vi phạm Đạo luật Kiểm soát Ngân sách ban hành năm 2011 của Mỹ, vốn hạn chế mức chi tiêu khoảng 549 tỷ USD để giảm thâm hụt ngân sách.

Các số liệu thống kê của Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng Mỹ đã chỉ ra rằng Mỹ hiện có ngân sách quân sự lớn nhất thế giới, cao gấp khoảng 10 lần so với số tiền Chính phủ Nga chi cho quân đội. Trước đó, phát biểu trong cuộc họp với lãnh đạo hai viện Quốc hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết bản dự toán ngân sách của ông đã “tăng chi tiêu quốc phòng lên mức lịch sử nhằm tái thiết quân đội suy yếu của Mỹ” và “vực dậy tinh thần nước Mỹ”.

Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ D.Trump đã xác nhận với Lầu Năm Góc một trong bốn ưu tiên hàng đầu về quốc phòng là Phát triển chiến lược đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. IS đã bị đánh bại ở cả hai chiến trường này, nhưng đòn quyết định lại thuộc về Nga.

Vì thế, tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Trung Đông đang có nguy cơ suy giảm trước đối thủ vốn được coi là kỳ cựu. Nhưng không vì thế mà Mỹ ngừng chi mạnh tay cho lực lượng đối lập ở Syria hay các tay súng người Kurd ở Iraq. Sự tồn tại các yếu tố gây bất ổn ở Trung Đông dưới sự bảo trợ của Mỹ là cách để Washington duy trì tiếng nói trong khu vực. Chiến lược này cũng sẽ tiêu tốn không ít tiền của đối với chính quyền Tổng thống D.Trump vì nó không vạch ra được hồi kết.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng khiến Mỹ phải điều chỉnh chiến lược cũng như cân nhắc về ngân sách quốc phòng tương ứng với mức độ hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân của Bắc Kinh. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford từng phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc, Triều Tiên và IS là những mối đe dọa lớn của Mỹ.

Những bước tiến nhanh và vượt bậc của Triều Tiên trong chương trình tên lửa và hạt nhân càng thúc đẩy Mỹ có biện pháp đối phó mạnh mẽ, cụ thể là đầu tư 8,5 tỷ USD cho chương trình nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa, hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân hay tiếp tục chính sách bảo trợ quốc phòng cho các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc trước mối đe dọa Bình Nhưỡng.

Tăng ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với việc cắt giảm 30% ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao, cũng như giảm ngân sách dành cho Cục Bảo vệ Môi trường, hạn chế các khoản đầu tư quan trọng khác của Mỹ trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới cơ sở hạ tầng… Đó là lý do vì sao Mỹ rút khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu hay ra tối hậu thư cho các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu tới cuối năm phải tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP để giảm gánh nặng cho Washington.

Minh Thu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tang-ngan-sach-quoc-phong-len-muc-lich-su-de-khoi-phuc-suc-manh-quan-su-my/751309.antd