Tăng năng suất lao động chứ không phải tăng ca để có thêm thu nhập

Trong hai ngày 18 và 19.6, LĐLĐ TPHCM đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) với sự tham gia của các cán bộ Công đoàn (CĐ) làm công tác chính sách pháp luật và các doanh nghiệp (DN) có từ 500 lao động trở lên.

 Đề xuất không tăng tuồi nghỉ hưu với công nhân lao động trực tiếp sản xuất. Ảnh: NAM DƯƠNG

Đề xuất không tăng tuồi nghỉ hưu với công nhân lao động trực tiếp sản xuất. Ảnh: NAM DƯƠNG

Tăng giờ làm thêm là bước lùi so với xu thế chung

Phần lớn các ý kiến tại hội nghị đều không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo. Đại diện công đoàn cơ sở (CĐCS) Cty Nissey Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1) cho rằng: Xu thế hiện nay là các DN luôn trẻ hóa nguồn nhân lực, chỉ tuyển dụng lao động từ 18 đến 23 tuổi. Với cường độ lao động liên tục, ít thời gian nghỉ ngơi như hiện nay, người lao động (NLĐ) khó bảo đảm sức khỏe để làm việc đến khi nghỉ hưu.

Ông Huỳnh Văn Tuấn - Chủ tịch CĐ các KCX-CN TPHCM - nhận xét: “Thực tế ở nhiều DN, lao động đến 40 - 45 tuổi là người sử dụng lao động (NSDLĐ) tìm cách cho nghỉ việc hoặc bản thân NLĐ không thể còn đủ sức khỏe để làm việc”. Từ đó, các ý kiến đều cho rằng việc tăng tuổi hưu chỉ nên thực hiện với các lao động gián tiếp, làm công việc trí óc, văn phòng, nghiên cứu, giảng dạy…, để tránh lãng phí đối với các lao động có trình độ này.

Một vấn đề cũng được nhiều ý kiến đóng góp là tăng giờ làm thêm từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Các ý kiến đều cho rằng thực tế công nhân (CN) đi làm tiền lương không đủ sống, nên phải làm thêm chứ không ai muốn tăng ca. Trong khi đó, quy định về tiền lương tối thiểu vùng của Việt Nam còn thấp, hầu hết DN đều dựa trên quy định tiền lương này để trả lương cho CN.

Có ý kiến nêu rằng, vấn đề là phải tăng năng suất lao động để tăng thu nhập chứ không phải tăng ca để tăng thu nhập. Mà việc tăng năng suất lao động phụ thuộc phần lớn vào NSDLĐ có đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ, chứ bản thân NLĐ thì không quyết định được. Nếu cứ duy trì tiền lương tối thiểu thấp, NLĐ chỉ còn mỗi cách tăng ca để tăng thu nhập.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phân tích hiện nay, nếu CN tăng ca được thêm một bữa ăn và không tốn chi phí khác, trong khi có được về đúng giờ thì cũng không biết làm gì. Hiện nhiều CN ngoài giờ làm việc còn phải chạy Grab kiếm thêm, nhưng thu nhập đó không bằng tiền lương làm thêm, nên đồng ý với việc tăng giờ làm thêm để có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Cty Hansae Việt Nam - cho biết, khoảng 20.000 CN chuyên may sản phẩm xuất khẩu lại cho rằng, đề xuất tăng giờ làm thêm từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm là một bước lùi so với tiến bộ xã hội. “Việc tăng giờ làm thêm là một bước lùi không thể chấp nhận. Trong khi đó, dự thảo không khống chế số giờ làm thêm trong một ngày là góp phần làm kiệt quệ sức khỏe của NLĐ Việt Nam”.

Ông Hùng kiến nghị không nên quy định số giờ tăng ca trong một năm mà chỉ nên quy định số giờ tăng ca tối đa trong một tuần là 12 giờ theo thông lệ của nhiều quốc gia.

Nghỉ lễ, Tết trùng ngày nghỉ hàng tuần thì phải được nghỉ bù

Nhiều ý kiến cũng không đồng tình với quy định nếu ngày nghỉ lễ, Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù mà cần giữ nguyên như hiện nay. Bởi vì, số ngày nghỉ của Việt Nam hiện nay là thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, LĐLĐ TPHCM - nói rằng, nếu không bổ sung thêm được ngày nghỉ có hưởng lương (ngày 27.7) như dự thảo (Chính Phủ đã rút quy định này trong dự thảo - PV), thì nên quy định thêm một ngày nghỉ hàng năm để NLĐ có thêm ngày nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và chăm lo cho gia đình.

Ông Võ Văn Hùng đề nghị bổ sung khái niệm lãn công trong dự thảo. Vì thực tế, việc lãn công cũng gây thiệt hại không kém cho NSDLĐ nhưng luật lại không điều chỉnh, nên dẫn đến khó khăn khi xử lý nếu NLĐ lãn công.

“Nếu NLĐ đình công thì Cty có quyền không trả lương, nhưng NLĐ có đến Cty và ngồi làm việc chểnh mảng thì vẫn phải trả lương cho họ, dù kết quả lao động không cao”. Từ đó, ông Hùng kiến nghị quy định: “Lãn công là sự cố ý xao lãng nhiệm vụ, kéo dài thực hiện công việc trong một thời gian nhất định để đòi hỏi quyền hoặc lợi ích cho NLĐ” và xem việc lãn công như đình công trái pháp luật và NSDLĐ có quyền sa thải NLĐ.

NAM DƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/tang-nang-suat-lao-dong-chu-khong-phai-tang-ca-de-co-them-thu-nhap-739972.ldo