Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững

Năng suất lao động của Việt Nam dù đã được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và thấp so với nhu cầu phát triển.

Tại Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 (VDF) với chủ đề “Tăng năng suất – đòn bẩy cho phát triển bền vững” diễn ra ngày 13/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, để nâng cao mức sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, tăng năng suất là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững và đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Kinh tế vẫn đang tăng trưởng tốt

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết , công cuộc đổi mới hơn 30 năm đã đưa Việt Nam trở thành một nước đang phát triển, với mức thu nhập trung bình. Nổi bật, năm 2017, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, mà một trong số đó là cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều có khả năng đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng tốt, đạt khoảng 6,7% trong năm nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng . Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng . Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.
Bởi, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao, song tốc độ tăng trưởng kinh tế đã và đang giảm khá nhanh từ 7,3% trong giai đoạn 1990 - 2000, xuống 6,7% (2001 - 2010) và tiếp tục giảm xuống 5,96% (2011 - 2016). Nguy cơ tụt hậu vì thế là có thật và nhiều lần được cảnh báo. Cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực vì thế cũng phần nào sút giảm.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra rằng, nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 6%/năm, thì phải gần 20 năm nữa, Việt Nam mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người gần bằng mức mà Malaysia đã đạt trong năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan.
Các chuyên gia kinh tế cũng đều cho rằng, khi các động lực tăng trưởng cũ đã dần tới hạn, cách thức tăng trưởng cũ (chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên...) đã không còn phù hợp, thì đòn bẩy cho tăng trưởng bền vững chính là vấn đề tăng năng suất.
Thực tế, từ lâu Chính phủ đã coi tăng năng suất lao động là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Điều này càng đặt ra rốt ráo hơn bao giờ hết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm biến chuyển thế giới. Không dựa vào khoa học - công nghệ, không phát triển kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, không phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả, không thu hẹp khu vực kinh tế phi chính thức… kinh tế Việt Nam không thể tăng trưởng nhanh, bền vững.
Năng suất lao động của Việt Nam dù đã được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và thấp so với nhu cầu phát triển. Năm 2017, năng suất lao động của toàn nền kinh tế đã tăng 5,87%, cao hơn mức tăng 5,29% của năm 2016, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, tăng năng suất lao động đang ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Minh chứng là yếu tố này đã đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017, cao hơn khá nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990-2000 và 61,9% giai đoạn 2000-2012. Những con số đó cho thấy, không tăng nhanh năng suất lao động, Việt Nam không thể nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, nếu tình trạng năng suất lao động thấp không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước. Đáng lưu ý là, hiện năng suất lao động của Việt Nam mới bằng khoảng 1/6 Malaysia hoặc 1/15 của Singapore. Tình hình đang trở nên cấp thiết khi gần đây thực trạng này chưa có sự chuyển biến đáng kể, tiếp tục đe dọa mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hiện đại hóa nền kinh tế.
Theo TS. Cung, từ năm 2018 trở đi, năng suất lao động phải tăng tối thiểu 6%/năm để đảo ngược tình hình, góp phần đưa nền kinh tế thay đổi về chất lượng tăng trưởng, rút ngắn thời gian tới đích thịnh vượng... Hơn nữa, cần tạo ra các thị trường vốn, công nghệ, lao động đích thực, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy các nhân tố mới, có giá trị thực tiễn đối với sản xuất, kinh doanh.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị, cần bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực đối với các loại hình doanh nghiệp. Cơ quan chức năng nên tham vấn, thu thập ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong công tác lập quy hoạch và kế hoạch. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý nhằm tăng mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ; đặc biệt là hỗ trợ hoạt động nghiên cứu-phát triển để tăng năng suất lao động.
Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nếu tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ sẽ nâng cao chất lượng nông sản; nhất là xét trong bối cảnh Việt Nam có nhiều loại nông sản xuất khẩu nổi tiếng.

Do đó, cần có cơ chế phù hợp để hỗ trợ nhà nông, doanh nghiệp nông nghiệp trong tích tụ đất để tăng cường cơ giới hóa, giảm suất đầu tư cũng như chủ động trong ứng dụng tiến bộ khoa học trong canh tác, chăn nuôi. Mặt khác, nhà sản xuất cần kết hợp hai mục tiêu là tăng năng suất lao động với bảo đảm chất lượng nông sản để phát triển bền vững.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam cần sự ổn định về kinh tế vĩ mô là rất quan trọng để tiếp tục thực hiện các chính sách đặt ra; củng cố các yếu tố thể chế, tận dụng các cửa sổ cơ hội tốt để đẩy mạnh hơn nữa cải cách; phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý đầu tư công hiệu quả; tăng cường đầu tư vào nguồn vốn con người và khoa học công nghệ để tăng năng suất người lao động, tăng năng suất toàn nền kinh tế.
Còn theo TS. Rajah Rasiah, Cố vấn cao cấp UN/UNDP tại Việt Nam, để nâng cao năng suất, phát triển bền vững, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng như điện, nước, giao thông, phối hợp hải quan và kiểm soát an ninh nhằm đảm bảo cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao, bằng cách tăng cường nguồn vốn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
“Tăng năng suất là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững. Đây là vấn đề cốt lõi và cũng là thách thức lớn với kinh tế Việt Nam hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tang-nang-suat-don-bay-cua-tang-truong-ben-vung/70660.html