Tăng năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT về việc triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Việt Nam chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh minh họa: TTXVN

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ra quyết định triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.
Bộ Công Thương sẽ triển khai 4 nhóm hoạt động trọng tâm tập trung vào việc đào tạo về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước, thông qua việc tổ chức các hội thảo, chương trình đào tạo về sử dụng các biện pháp cho các hiệp hội, doanh nghiệp, thành viên ngành hàng; các khóa đào tạo về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ cũng phổ biến, hướng dẫn sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá và nhận biết nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài.
Đặc biệt, Bộ tổ chức các khóa đào tạo về phòng vệ thương mại cho các Sở, ngành, địa phương nhằm nâng cao khả năng phối hợp để xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, tổ chức chương trình tập huấn về phòng vệ thương mại cho nhóm truyền thông của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các hiệp hội, ngành sản xuất trong nước; trong đó, tập trung soạn thảo, phổ biển cẩm nang hướng dẫn, các doanh nghiệp sử dụng, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong một số ngành như: thép, đồ gỗ, thủy sản, hóa chất, dệt may, công nghiệp phụ trợ.
Mặt khác, xây dựng chuyên mục về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trên Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương điện tử; triển khai bản tin về phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm.
Bên cạnh đó, Bộ còn xây dựng cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin, kết quả về cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất; khảo sát, đánh giá về hiểu biết, năng lực khởi kiện, năng lực kháng kiện phòng vệ thương mại của các ngành công nghiệp ưu tiên.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện thể chế qua việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao năng lực và hiệu quả của phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới; đề án Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xử lý vụ việc phòng vệ thương mại; ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện cam kết về phòng vệ thương mại trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Đặc biệt, Bộ còn tăng cường thực thi các quy định về phòng vệ thương mại qua việc nghiên cứu lồng ghép nội dung phòng vệ thương mại trong các chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp ưu tiên.
Mặt khác, tiếp tục triển khai Quyết định 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường tham gia, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của các nước.
Ngoài ra, Bộ còn tập trung nghiên cứu, xây dựng các chính sách, phương án đấu tranh, trả đũa các nước khác trong trường hợp các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; theo dõi diễn biến các vụ điều tra phòng vệ thương mại trong khuôn khổ WTO.
Theo Quyết định số 1347/QĐ-BCT, kinh phí thực hiện các hoạt động được trích từ ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ Công Thương và các nguồn kinh phí khác./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-nang-luc-phong-ve-thuong-mai-cho-cac-nganh-san-xuat-trong-nuoc/157492.html