Tăng năng lực cho đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ điều trị COVID-19

Ban Chỉ đạo Quốc gia đã điều động một số đội của các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh (thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) hỗ trợ cho các địa phương như Vĩnh Phúc, Thừa Thiên-Huế.

Đội ngũ bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế tích cực điều trị cho các ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Đội ngũ bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế tích cực điều trị cho các ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Ngày 14/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành về việc bổ sung và nâng cao năng lực cho đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19.

Công văn nêu rõ, nhằm tăng cường hỗ trợ cho các địa phương quản lý, chăm sóc và điều trị COVID-19, đặc biệt hỗ trợ điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thành lập 51 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona 2019 (COVID-19) theo Quyết định số 478/QĐ-BCĐQG ngày 20/02/2020 và Quyết định số 805/QĐ-BYT ngày 9/3/2020.

Đến nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã điều động một số đội của các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh (thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) đến hỗ trợ cho các địa phương như Vĩnh Phúc, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Để tiếp tục tăng cường, bổ sung lực lượng cho đội cơ động phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có nhu cầu, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế, Y tế ngành tiếp tục chỉ đạo thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn tại Quyết định số 478/QĐ-BCĐQG ngày 20/02/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 về việc kiện toàn các đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona 2019.

Các bệnh viện trực thuộc đánh giá năng lực và xem xét khả năng để đăng ký tham gia tăng cường cho lực lượng cơ động Quốc gia theo các đội tương ứng với các cấp độ hồi sức tích cực gồm cấp độ 1 và cấp độ 2, trong đó ưu tiên đăng ký tham gia cho đội hồi sức tích cực cấp độ 2.

Với bác sỹ đăng ký 3 người, cấp độ 1 là bác sỹ truyền nhiễm, bác sỹ đa khoa, bác sỹ nội khoa đã được đào tạo về điều trị COVID -19 và các biện pháp cách ly với yêu cầu biết cách cho bệnh nhân thở oxy (gọng kính, mặt nạ, dòng cao)...

Cấp độ 2 là bác sỹ chuyên khoa hồi sức tích cực, hô hấp, truyền nhiễm, tim mạch..., đã được đào tạo về điều trị COVID-19 và các biện pháp cách ly với yêu cầu tối thiểu 2/3 bác sỹ thực hiện thành thạo kỹ thuật thở máy, lọc máu.

Lực lượng điều dưỡng, 5 người với cấp độ 1 là đã được đào tạo về điều trị COVID-19 và các biện pháp cách ly. Cấp độ 2 là điều dưỡng chuyên khoa hồi sức tích cực đã được đào tạo về điều trị COVID-19 và các biện pháp cách ly.

Lực lượng kiểm soát nhiễm khuẩn, 1 người, trong đó cấp độ 1 là nhân viên giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn và cấp độ 2 là phụ trách khoa, bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn.

Trên cơ sở danh sách đăng ký, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn; đồng thời chủ động điều phối hỗ trợ cho các đơn vị theo nhu cầu của từng đơn vị khi có dịch bệnh xảy ra. Để tránh chồng chéo, không phù hợp nhu cầu của bệnh viện cần được hỗ trợ, các đơn vị chỉ phân công đội cơ động đi làm nhiệm vụ khi có sự điều động của Bộ Y tế (Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19).

Cùng ngày, Bộ Y tế có Công điện số 1280/CĐ-BYT về việc hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Hải Dương điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19.

Theo Công điện, nhằm hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Hải Dương trong công tác điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt liên quan đến dịch tại đường Ngô Quyền, thành phố Hải Dương trong giai đoạn trước mắt, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia giao Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Hải Dương thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cử sinh viên hỗ trợ và phối hợp với ngành Y tế tỉnh Hải Dương thực hiện điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương để thực hiện xét nghiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tang-nang-luc-cho-doi-co-dong-phan-ung-nhanh-ho-tro-dieu-tri-covid19/657541.vnp