TĂNG MỨC PHẠT HÀNH CHÍNH TỐI ĐA LÀ CẦN THIẾT

Dư luận từng rất bất bình với mức xử phạt hành chính 200.000 đồng đối với người đàn ông có hành vi sàm sỡ cô gái trong thang máy ở một chung cư.

Mức phạt này hoàn toàn không tương xứng với tính chất, hành vi mà người đàn ông đó thực hiện, đặc biệt nó gây phản cảm xã hội. Điều này cho thấy, còn những bất hợp lý, "lỗ hổng" trong các quy định của pháp luật.

Một bất cập hiện nay trong quá trình xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm còn thấp theo Luật Xử lý VPHC. Thực tế, có những hành vi vi phạm mang lại nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn cho đối tượng vi phạm (lĩnh vực bất động sản, y tế, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, buôn bán hàng giả, sở hữu trí tuệ...); hay hành vi đó gây hậu quả lớn đến xã hội nhưng mức phạt tối đa áp dụng từ luật chưa tương xứng. Điều này vô hình trung gây ra hiện tượng “coi thường luật” bởi nó không tạo được hiệu lực răn đe, phòng ngừa.

Cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính vì tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính vì tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cũng từ quá trình áp dụng luật trên thực tiễn cho thấy, hiện nay rất nhiều vụ việc vi phạm, giá trị của các tang vật vượt quá mức tiền phạt thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở. Trong khi đó, theo Luật Xử lý VPHC thì thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh phụ thuộc vào mức phạt tiền của chức danh đó. Nghĩa là, một chức danh có thẩm quyền phạt tiền đến mức bao nhiêu thì chỉ được phép tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến mức đó. Việc này bộc lộ bất cập khi có quá nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cấp cơ sở. Rất nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng mức phạt tối đa để luật phù hợp. Đây cũng là ý kiến của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ quản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC.

Những bất cập trên nảy sinh cũng là dễ hiểu bởi sự phát triển nhanh của kinh tế-xã hội đất nước, trong khi các chế tài luật, nghị định có độ lùi, trễ lớn về mặt thời gian. Sau gần 8 năm ra đời (ban hành ngày 20-6-2012, có hiệu lực từ 1-7-2013), bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình áp dụng luật cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải có sự sửa đổi. Từ thực tế, vấn đề cần quan tâm nhất là xây dựng được chế tài xử phạt phù hợp với hành vi, phù hợp với thực tiễn. Nếu chế tài quá cao, quá khả năng thực thi của người vi phạm dẫn đến luật không khả thi; nhưng nếu mức phạt theo chế tài thấp, không tương xứng với hành vi sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật, không sợ vi phạm, biết sai nhưng vẫn cố tình làm sai. Tăng mức phạt tối đa là cần thiết nhưng tăng như thế nào, tăng ở lĩnh vực nào thì cơ quan chức năng cần tính toán kỹ dựa trên những luận cứ chắc chắn, phù hợp, tránh việc tăng thiếu căn cứ sẽ dẫn đến việc luật nhanh chóng bị lạc hậu hoặc bị lợi dụng để lạm quyền, phi thực tế. Chúng ta hẳn chưa quên vụ việc một người dân đi “đổi chui” 100USD nhưng đã bị xử phạt 90 triệu đồng. Cơ quan chức năng có căn cứ để đưa ra mức xử phạt hành chính đó theo luật nhưng điều này lại không phù hợp trong đời sống thực tế. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý VPHC là cần thiết bởi những năm qua, đã có nhiều luật, văn bản pháp luật có sự thay đổi, sửa đổi, ban hành mới khiến tính đồng bộ hóa hệ thống luật pháp cần có điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Rất mong tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV này, ở mảng nội dung cho ý kiến các dự án luật, Quốc hội sẽ nghiên cứu, thảo luận kỹ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC, đặc biệt là mức phạt tối đa trong các lĩnh vực cho phù hợp.

NGUYỄN HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tang-muc-phat-hanh-chinh-toi-da-la-can-thiet-618863