Tăng mạnh nhưng cần phát huy nội lực

Năm 2017, hoạt động xuất khẩu (XK) đã đóng góp chủ lực vào kết quả tăng trưởng của nền kinh tế. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) năm 2017 đạt gần 425 tỷ USD, trong đó XK ước đạt 213,77 tỷ USD, đã thể hiện quy mô của nền kinh tế, vai trò ngày càng quan trọng và mức độ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 4 lần trong 10 năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội năm 2017 diễn ra chiều 27-12, năm 2017 ghi nhận một kỷ lục mới của XNK Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa cả 2 chiều XNK ước tính đạt gần 425 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa XK năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ USD (tăng 21,1% so với năm ngoái), đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa XK năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016. Kim ngạch hàng hóa NK năm 2017 ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa NK năm 2017 tăng 17,7% so với năm 2016.

Nhìn lại chặng đường XNK của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động XNK. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), năm 2001, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn là hơn 30 tỷ USD. 6 năm sau (năm 2007) tổng kim ngạch XNK cả nước mới đạt 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đến năm 2011, quy mô XNK của Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, đạt 200 tỷ USD và đến năm 2015, đạt mốc 300 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm (2007-2017), tổng kim ngạch XNK đã tăng hơn 4 lần.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tập kết tại Tân cảng Cát Lái. Ảnh: Đặng Trung Kiên

Về cơ cấu kim ngạch hàng hóa XK năm nay, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 106 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm trước và chiếm 49,6% tổng kim ngạch hàng hóa XK; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 79,6 tỷ USD, tăng 11,7% và chiếm 37,2%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 19,8 tỷ USD, tăng 9%; hàng thủy sản ước tính đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18,5%. Qua số liệu thống kê cũng cho thấy, Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với 41,5 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016. Tiếp đến là EU đạt 38,3 tỷ USD, tăng 12,8%; Trung Quốc đạt 35,3 tỷ USD, tăng 60,6%; thị trường ASEAN đạt 21,7 tỷ USD, tăng 24,5%...

Đã có nhóm 30 mặt hàng xuất khẩu "tỷ đô"

Qua thống kê, tính chung cả năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó có tới 5 tháng liên tiếp (từ tháng 8 đến tháng 12) XK đạt hơn 19 tỷ USD. Hoạt động XNK của Việt Nam có được bước tiến nhanh, mạnh, vững chắc nhờ vào những cải thiện rõ rệt ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, như: Nông nghiệp, dệt may, da giày… Đặc biệt, kim ngạch XK không còn phụ thuộc vào các mặt hàng là tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu thô, than đá… như trước đây. Đến nay, ngoài 2 nhóm hàng điện thoại và máy tính, nước ta còn xây dựng được gần 30 nhóm hàng XK đạt trị giá kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, trong đó nhiều mặt hàng giá trị XK hơn 5-10 tỷ USD/năm. Đặc biệt, sự xuất hiện ngày càng nhiều và đóng góp quan trọng của các nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, như: Thủy sản, hạt điều, rau quả, gạo, đồ gỗ… Về thị trường XK, nước ta đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU)… nhiều đối tác có kim ngạch thương mại hai chiều đạt hàng chục tỷ USD/năm.

Đánh giá về việc xuất siêu của Việt Nam trong năm nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, XK từ trước tới nay luôn là điểm sáng của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế để đạt mức tăng trưởng GDP cao. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam xuất siêu là hiện tượng tích cực, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, nền kinh tế nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (NK) từ nước ngoài để phục vụ sản xuất, vì vậy trong kim ngạch NK thì có đến 91% là NK tư liệu sản xuất. Trong bối cảnh đó, nước ta đã đạt được cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu là điều rất đáng mừng. Điều này thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong sản xuất kinh doanh; nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành mà trong đó hai bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất năng động, tích cực trong tìm kiếm thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017, Chính phủ đã đàm phán, tìm thị trường XK được những trái cây mà những năm trước thường cứ được mùa, mất giá, trong đó có quả thanh long. Gần đây, các DN trong nước cũng đã ký kết được hợp đồng XK với mặt hàng trái cây như xoài, vú sữa... sang các thị trường khó tính.

Nâng cao năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước

Xung quanh câu chuyện xuất siêu hàng hóa của Việt Nam trong năm nay, một số ý kiến cho rằng, không nên quá mừng, bởi phần lớn giá trị XK vẫn rơi vào “túi” các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, dù có sự tăng trưởng XK đáng kể, song nông, thủy sản vốn là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo số liệu thống kê, trong kim ngạch hàng hóa XK năm 2017 đạt 213,77 tỷ USD thì khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD. Kim ngạch hàng hóa NK năm 2017 đạt 211,1 tỷ USD thì khu vực kinh tế trong nước là 84,7 tỷ USD và khu vực FDI là 126,4 tỷ USD. Với cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,7 tỷ USD thì trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 28,8 tỷ USD. Điều này thể hiện thực tế, việc xuất siêu hàng hóa trong nước vẫn chủ yếu nhờ vào các DN FDI.

TS Nguyễn Đình Cung phân tích: Vấn đề không phải là tìm cách để giảm sức ảnh hưởng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài mà cần nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa nội địa thông qua việc tìm ra các thế mạnh của DN, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, tận dụng được lợi thế cạnh tranh trong ngành nghề, sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế... Giải pháp quan trọng chính là làm thế nào để các DN trong nước liên kết, tham gia vào chuỗi sản xuất của DN FDI.

Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, Quốc hội đặt chỉ tiêu XK tăng 7-8% trong năm 2017, do đó tăng trưởng XK 21,1% là rất ấn tượng. Qua kết quả XK có thể thấy nền kinh tế đang có độ mở rất lớn. Tổng kim ngạch XNK như trên phản ánh tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu và nguyên liệu sản xuất từ bên ngoài. Điều này đặt ra bài toán trong năm 2018 với các nhà hoạch định chính sách, các bộ, ngành, địa phương cần rất chú trọng đến hoạt động XNK để thúc đẩy tăng trưởng.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-manh-nhung-can-phat-huy-noi-luc-527576