Tăng lương tối thiểu vùng năm 2021: Phiên họp đầu tiên chưa chốt được mức điều chỉnh

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa họp phiên đầu tiên để bàn về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021. Kết thúc phiên họp đầu tiên, các bên vẫn chưa đi đến thống nhất.

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, việc thương lượng về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động năm 2021 có điểm khác so với các năm trước. Đó là hậu quả nặng nề từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ được bàn thảo trong phòng đàm phán. Cả người lao động và DN đều đang gặp khó khăn, có nơi khó khăn gay gắt.

Ở góc độ đại diện người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho người lao động trên cơ sở đánh giá tình hình đời sống người lao động, nhất là mức sống tối thiểu. Đồng thời, việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động cũng đặt trong mối quan hệ là sự thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của DN trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả người lao động và DN đều đang gặp khó khăn. Ảnh: T.Hải

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả người lao động và DN đều đang gặp khó khăn. Ảnh: T.Hải

Trước câu hỏi việc chưa tăng lương cơ sở từ 1-7-2020 có tác động như nào đối với điều chỉnh lương tối thiểu vùng, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, lương cơ sở và lương tối thiểu vùng là 2 hướng tiếp cận khác nhau. Lương cơ sở do Nhà nước trả, lương tối thiểu vùng là do DN trả trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh.

Về phía người sử dụng lao động, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng thông tin với báo giới, những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đối với các DN chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Các DN hiện tại đang khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiều DN đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng, hợp đồng mới chưa có, hợp đồng cũ thực hiện chưa xong. Chưa kể các vùng nguyên liệu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của Việt Nam cũng như các thị trường khác cũng đang bị ảnh hưởng do việc giãn cách xã hội tại các nước đó. Trước thực trạng khó khăn kể trên, DN mong muốn sự đồng cảm, chia sẻ từ phía người lao động.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho biết, VCCI kiến nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia không tính đến việc điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2021 để bảo vệ DN. “Hy vọng thời gian tới, sẽ có đủ nguồn lực để đáp ứng cho việc điều chỉnh lương tối thiểu và các chính sách xã hội khác với người lao động”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

Trước đó, tại phiên họp, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 2 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).

Phương án 2: Từ 1-7-2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).

Hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 được áp dụng như sau: Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng 5,5% so với năm 2019 (tăng từ 150.000-240.000 đồng tùy từng vùng).

Thanh Hải - Minh Quang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2021-phien-hop-dau-tien-chua-chot-duoc-muc-dieu-chinh-198870.html