Tăng lương tối thiểu vùng năm 2019: Cải thiện đời sống người lao động

Sau khi chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2019, nhiều ý kiến lo ngại sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chi phí cho lao động. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này đã được tính toán từ thực tế, bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động (NLĐ) trong điều kiện trượt giá.

Tăng lương tối thiểu nhằm cải thiện đời sống người lao động

So với năm 2018, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 5,3%, cụ thể: Vùng 1: 4.180.000 đồng/tháng, tăng 200.000 đồng; vùng 2: 3.710.000 đồng/tháng, tăng 180.000 đồng; vùng 3: 3.250.000 đồng/tháng, tăng 160.000 đồng/tháng; vùng 4: 2.920.000 đồng/tháng, tăng 160.000 đồng.

Đối tượng áp dụng mức tăng mới gồm: NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ phận Kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất sử dụng phương pháp và các căn cứ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Chia sẻ với truyền thông, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho hay, mức tăng 5,3% chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nhưng trong điều kiện hiện nay cũng giải quyết được vấn đề cải thiện đời sống cho NLĐ và không gây áp lực cho doanh nghiệp. “Đề xuất tăng lương 5,3% cũng góp phần cải thiện đời sống của NLĐ. Theo đánh giá, chỉ số giá tiêu dùng không bức bách và không có nhiều biến động trong năm nay”- ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Một vấn đề cũng được dư luận quan tâm đó là tăng lương tối thiểu đồng nghĩa mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng tăng theo, liệu có tăng thêm áp lực cho doanh nghiệp hay không và tiền đóng BHXH của NLĐ được sử dụng như thế nào? Giải đáp về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - nhấn mạnh, về cơ bản, mức lương tối thiểu vùng chỉ là mức sàn lương thấp nhất để đơn vị sử dụng lao động trả cho NLĐ phổ thông trong điều kiện bình thường. Còn tiền đóng BHXH cho NLĐ theo quy định của Luật BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết: Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện nay số tiền trung bình các đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH cho NLĐ đang ở mức 5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Vì vậy, nếu đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 được Chính phủ thông qua tác động đến việc tăng số tiền đóng BHXH vào Quỹ BHXH không quá lớn. “Quỹ BHXH luôn được BHXH Việt Nam quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo chi trả các chế độ BHXH cho NLĐ kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng”- ông Đào Việt Ánh nói.

Sau khi chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và sẽ có Nghị quyết điều chỉnh từ ngày 1/1/2019.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2019-cai-thien-doi-song-nguoi-lao-dong-108432.html