Tăng 'lượng' nhưng thiếu 'chất'

Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ) cấp xã không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Bởi có vai trò quan trọng, tác động tích cực đến đời sống xã hội nên trung tâm VHTT-HTCĐ được các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau quan tâm xây dựng, phát triển nhanh qua từng năm. Song, có một nghịch lý là số lượng trung tâm VHTT-HTCĐ tăng lên, đội ngũ quản lý ngày càng chuẩn hóa... nhưng phần lớn trung tâm vẫn hoạt động không hiệu quả.

Nhà tập luyện đa năng ở Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Hàm Rồng được tận dụng làm nhà kho.

Nhà tập luyện đa năng ở Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Hàm Rồng được tận dụng làm nhà kho.

Hoạt động chưa hết công năng

Hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau có 51/82 xã có trung tâm VHTT-HTCÐ. Kinh phí đầu tư xây dựng mỗi trung tâm từ 4-10 tỉ đồng. Vậy ước tính mức tổng đầu tư cũng khoảng 300 tỉ đồng. Kinh phí đầu tư quá lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng.

Ðiển hình như Trung tâm VHTT-HTCÐ xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời. Ðược xây dựng trên vùng đất trũng, nên đưa vào sử dụng không lâu thì hội trường đa năng của Trung tâm đã bị sụp, lún, sân chơi ngoài trời cũng xuống thấp… Việc sửa chữa tuy có được địa phương quan tâm, nhưng không căn cơ mà chỉ chắp vá tạm thời. Ðến nay toàn bộ phần nền của Trung tâm này đã tụt xuống (hội trường đa năng, phòng chức năng, trụ cột chính…) và không thể mở được cửa hội trường đa năng.

Trung tâm VHTT-HTCÐ xã Ðất Mới, huyện Năm Căn, được xây dựng từ năm 2013 nhưng đến nay, khu vực xung quanh dành cho hoạt động thể thao vẫn còn là trũng sình lầy! Nhà thi đấu đa năng và các phòng chức năng, nhìn bên ngoài trông rất khang trang nhưng bên trong thì chưa được trang bị đầy đủ thiết chế văn hóa và phần nền đang sụp lún. Mặt khác, nhiều trung tâm chưa hoạt động độc lập như đơn vị sự nghiệp có thu, chưa thực hiện ghép chức năng HTCÐ. Ban chủ nhiệm chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, việc chi bồi dưỡng Ban chủ nhiệm phụ thuộc vào ngân sách, mà mỗi địa phương có điều kiện khác nhau.

Bên cạnh đó, các phòng chức năng chưa được sử dụng đúng công năng mà bị tận dụng biến thành nơi làm việc của hội đặc thù, kho chứa đồ, điểm Bưu điện, điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội… Có nơi phòng chức năng thiếu trang thiết bị làm việc và tổ chức các hoạt động (tủ, bàn, ghế, âm thanh). Nhiều trung tâm chưa xây dựng được hàng rào...

Nguyên nhân vì đâu?

Yêu cầu đặt ra là vị trí xây dựng trung tâm VHTT-HTCÐ phải gần khu dân cư, giao thông thuận tiện và thoáng tầm nhìn. Song, trước đây, khi thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hướng tới xã đạt chuẩn văn hóa, tiêu chí đặt ra là chỉ cần có trụ sở sinh hoạt văn hóa, diện tích vừa phải. Thế nhưng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trụ sở sinh hoạt văn hóa không đủ chuẩn vì thiếu sân chơi thể thao.

Có thể nói, xây dựng trung tâm VHTT (theo tiêu chí số 6) là thúc đẩy phát triển hạ tầng nông thôn mới, tạo điều kiện để người dân nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, hoạt động thể chất. Nhưng mặt khác tiêu chí này lại tạo ra khó khăn cho các địa phương vì thực tế là hầu hết các xã không có đất quỹ dự phòng mà việc mua lại đất của dân gần khu trung tâm xã quá đắt đỏ, có xã có quỹ đất nhưng lại cách xa khu dân cư. Vì vậy, để xây dựng trung tâm VHTT-HTCÐ nhằm hoàn thiện tiêu chí đạt chuẩn NTM, không ít địa phương đã xây dựng trung tâm ở những khu vực có thể.

Xã An Xuyên là một trong những đơn vị có phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh của thành phố Cà Mau. Nhưng gần 10 năm xây dựng Trung tâm VHTT-HTCÐ mà xã vẫn chưa hoàn thiện được các hạng mục công trình, vị trí xây dựng cũng nằm sâu trong ấp, cách trung tâm xã hơn 8km. Ðường đi khó khăn, Ban chủ nhiệm không tổ chức hoạt động, Trung tâm bỏ hoang phế và đang xuống cấp theo thời gian.

Chính vì xây dựng ở những vị trí không phù hợp, nên hầu hết các Trung tâm gặp khó khăn trong công tác vận động xã hội hóa. Trong khi đó, việc vận động xã hội hóa đầu tư các sân chơi thể thao, trang thiết bị vui chơi trẻ em, phòng tập thể hình… là rất cần thiết, nhằm thu hút người dân đến sinh hoạt, vui chơi.

Cần sự vào cuộc quyết liệt từ cơ sở

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Công, ghi nhận qua các đợt kiểm tra thường niên, ở không ít trung tâm, hội trường đa năng, phòng chức năng không hoạt động đúng theo mục đích, yêu cầu. Cơ sở vật chất và trang thiết bị không đồng bộ, ở một số nơi còn thiếu so với nhu cầu hoạt động và đang xuống cấp; nền sụp lún; hệ thống cửa, đèn chiếu sáng, hệ thống sân khấu, dụng cụ thể dục thể thao... xuống cấp, Trong đó, có không ít trung tâm VHTT-HTCÐ ở xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Thế nên, Sở VH-TT&DL đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ mức chi phụ cấp cho Ban chủ nhiệm trung tâm VHTT-HTCÐ cấp xã, cũng như đề nghị đến các cơ quan Trung ương có liên quan xem xét, ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa các dự án dành riêng cho trung tâm VHTT-HTCÐ cấp xã với thủ tục, quy trình theo hướng tinh gọn, đơn giản, dễ thực hiện.

Song, hơn hết là UBND cấp huyện cần hướng chỉ đạo, xem xét trách nhiệm UBND cấp xã để tình trạng trung tâm VHTT-HTCÐ nhiều năm không hoạt động. Ðưa nội dung về chất lượng hoạt động của trung tâm VHTT-HTCÐ cấp xã vào Quy chế thi đua khen thưởng của huyện và xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

“Thực tiễn cho thấy, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là yếu tố rất quan trọng để trung tâm VHTT-HTCÐ cấp xã phát huy công năng về nguồn lực và tổ chức hoạt động, từ đó thu hút nhân dân đến sinh hoạt, vui chơi và học tập” - ông Nguyễn Chí Công khẳng định.

Bài, ảnh: CHẤN PHONG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tang-luong-nhung-thieu-chat--a128129.html