Tăng lương giáo viên sẽ mãi là chiếc bánh vẽ?

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở TP HCM vừa qua, nhiều chuyên gia giáo dục đã tập trung bàn luận xoay quanh các vấn đề tăng tiền lương cho giáo viên các cấp bậc.

Đáng chú ý là Điều 81 quy định mức lương: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây không phải là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước có những chủ trương, về việc tăng mức lương cơ bản cho người giáo viên. Mà tại Nghị Quyết Trung ương 2 khóa XIII (1996) đã nhắc đến vấn đề này. Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 một lần nữa đề cập đến vấn đề xác định lương của nhà giáo.

Ai cũng biết, chức năng chính của giáo dục chính là đào tạo con người. Tuy nhiên, đang có sự mất cân đối giữa công tác đào tạo và thu nhập của giáo viên. Bởi thế, chuyện lương bổng của giáo viên đã trở thành vấn đề nhức nhối không chỉ của riêng ngành giáo dục, mà của toàn xã hội nói chung.

Có thể nói, nền giáo dục Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề: Lương thấp giáo viên không đủ chi phí sinh hoạt; Giáo viên bỏ nghề; Các trường tìm mọi cách để có được sinh viên; Áp lực dẫn đến bạo lực học đường từ chính giáo viên..v..v.

Không nói đâu xa, ngay chính người viết đã từng khước từ không dưới hai lần sự mời gọi của hai Trường ở tỉnh TP Huế (một Trung cấp và một Đại học). Lý do chính cũng bởi mới vào nghề chỉ được nhận 80% lương. Mà lương hợp đồng không cao, thời gian hợp đồng không có chế độ phụ cấp. Biết tin tôi từ chối, rất nhiều, nhiều người nói tôi dại, đó là ước mơ của nhiều người đấy. Chính người Thầy mà tôi kính trọng nhất cũng phải thốt lên: Chịu thua em rồi!

Vâng, đành rằng, đó là niềm mơ ước của nhiều người, nhưng thử hỏi, với mức lương hợp đồng chưa đầy 3 triệu/tháng, thì với một người thầy xa quê, tự lập thì làm sao có thể lo được cho bản thân, chứ chưa nói là gia đình. Vậy thì vì cái danh người thầy để làm gì, khi cuộc sống của chính bản thân lại khốn khó?

Bên cạnh đó, thời gian qua dư luận luôn được chứng kiến nhiều câu chuyện giáo dục buồn, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, lẫn các chuyên gia, nhà khoa học:

Từ câu chuyện của cô giáo mầm non Hoàng Kim Anh (Cao Bằng) quyết định xin nghỉ việc sau 1 năm theo nghề dù đã thi đỗ viên chức, chỉ vì lương không đủ sống. Hay chuyện của thầy giáo dạy Ngữ văn ở Quảng Ninh, viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục dù đã có 16 năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng vì lý do liên quan đến lương,

Rồi đến câu chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan (tỉnh Hà Tĩnh), sau 37 năm công tác chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Xa hơn một chút, năm 2015, các cô giáo mầm non ở Thanh Hóa tất cả đều trên 20 công tác – thậm chí có người 40 năm, nhưng khi về hưu thì chỉ nhận được trên dưới 500.000 đồng.

Mặc dù nền giáo dục Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, sự tiến bộ và làm chủ khoa học, gặt hái thành công trên các cuộc thi quốc tế. Tuy nhiên, nếu đồng lương không giải quyết được gánh nặng “cơm – áo – gạo – tiền” cho người thầy, thì không thể thu hút được nhân tài.

Một cái khó khăn hiện diện trước mắt là hiện nay ngân sách nhà nước đang phải chịu sức ép rất lớn, ngân sách hạn hẹp, mà gánh nặng nợ công vượt trần 65% GDP, bội chi các năm gần đây đều ở mức trên 3,5% GDP. Trong khi lực lượng giáo viên, giảng viên hiện nay đang có khoảng 1,24 triệu người. Do đó, việc tăng lương cho giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc hành chính sự nghiệp như Điều 81 quả thật là khó.

Nhưng, phải khẳng định một lần nữa, lương giáo viên phải nói là vô cùng thấp, xếp ở bậc thấp nhất, chưa kể giáo viên miền núi, hải đảo đối diện với bao khó khan, nhọc nhằn. Vì thế, tăng lương cho giáo viên là việc không thể không làm. Đó không những là tinh thần, mà còn là hiện thực hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

Và nếu khó mà không làm, nghĩa là chuyện tăng lương cho giáo viên đã được đề cập trong Nghị quyết của Đảng, sau hơn 20 năm cũng chỉ là chiếc bánh vẽ?

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/tang-luong-giao-vien-se-mai-la-chiec-banh-ve-121945.html