Tăng lương cơ sở thì chế độ thai sản có được tăng theo hay không?

Báo Lao động Thủ đô nhận được câu hỏi của chị Phạm Thị Thơm (xã Song Phương, huyện Đan Phượng, Hà Nội) hỏi về việc tăng lương cơ sở thì chế độ thai sản có được tăng theo hay không?

Về câu hỏi này, theo Luật sư Trịnh Khánh Toàn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết:

Tăng lương cơ sở thì chế độ thai sản có được tăng theo hay không?

Tăng lương cơ sở thì chế độ thai sản có được tăng theo hay không?

Lương cơ sở (trước đây gọi là lương tối thiểu chung) là mức lương dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai là phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo đó, nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh số tiền thai sản nêu trên thì lao động nữ sinh con còn được nhận thêm tiền trợ cấp một lần, tiền nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản. Khác với tiền thai sản, mức hưởng tính bằng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội thì trợ cấp một lần, tiền nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản sẽ tính theo lương cơ sở.

Do đó, cùng với việc tăng lương cơ sở lên 1.600.000 đồng/tháng từ 1/7/2019 thì mức hưởng trợ cấp một lần, tiền nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản cũng sẽ tăng lên tương ứng, cụ thể như sau:

Mức trợ cấp 1 lần tương ứng 2 tháng lương cơ bản là 2 x 1.600.000 là 3.200.000 đồng (tăng 220.000 đồng). Mức nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe sau thai sản, 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở, tương đương 480.000 đồng/ ngày (tăng 33.000 đồng/ ngày).

Ngoài hai chế độ liên quan đến thai sản nêu trên thì chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau cũng sẽ tăng theo lương cơ sở. Theo đó, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.

PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-luong-co-so-thi-che-do-thai-san-co-duoc-tang-theo-hay-khong-100852.html