Tăng lợi thế cạnh tranh, hội nhập bền vững

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) là một trong những trụ cột quan trọng để TP Hồ Chí Minh tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập bền vững. Thời gian qua, thành phố đã tập trung quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) là một trong những trụ cột quan trọng để TP Hồ Chí Minh tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập bền vững. Thời gian qua, thành phố đã tập trung quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020.

Ðào tạo gắn với công nghệ hiện đại

Trung tâm Ðào tạo Khu công nghệ cao (SHTP.TC) là đơn vị trực thuộc Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) có nhiệm vụ đào tạo, tuyển dụng và cung ứng nguồn nhân lực CLC cho các nhà đầu tư trong SHTP nói riêng, trên địa bàn thành phố và khu vực phía nam nói chung. SHTP.TC được đầu tư, trang bị nhiều rô-bốt công nghiệp, các công nghệ tự động hóa hiện đại để đào tạo lao động chuyên sâu các ngành tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học... SHTP.TC còn đào tạo các chương trình chuyên sâu về kỹ năng thiết yếu cho các cấp quản lý, như kỹ năng: nâng cao năng lực cá nhân, quản lý, ngoại ngữ, công nghệ thông tin… nhằm trang bị cho lực lượng lao động kỹ năng thích nghi và hội nhập với môi trường làm việc hiện đại, năng động. Hiện, SHTP.TC liên kết, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để được chuyển giao công nghệ đào tạo nguồn lao động CLC của thành phố.

Sinh viên năm cuối ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ - Ðiện tử, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh Trương Nguyễn Hoàng Lâm đang thực tập tại SHTP.TC cho biết: "Ở đây có nhiều rô-bốt công nghiệp và công nghệ tự động hóa hiện đại mà lần đầu em tiếp xúc. Ở trường, em cũng có thực hành các thiết bị tự động hóa, nhưng ở đây có đầy đủ, đa dạng, hiện đại hơn để phục vụ lập trình điều khiển rô-bốt nên bổ sung thêm kiến thức thực tế rất nhiều".

Ông Ðỗ Tân Khoa, chuyên gia đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề Nhật Bản tại SHTP.TC cho biết: "Từ năm 2013 đến nay, SHTP.TC đã tiến hành hợp tác với các đối tác lớn của Nhật Bản trong việc triển khai chương trình và thiết bị đào tạo về cơ điện tử, rô-bốt công nghiệp... theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Nguồn nhân lực CLC của SHTP.TC đào tạo trong những năm qua luôn gắn liền với xu hướng công nghệ 4.0 cho những tập đoàn lớn. SHTP.TC phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo công nghệ 4.0 và trở thành tổ hợp của các xưởng thực hành tự động hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðức và Xin-ga-po)".

Những kết quả SHTP.TC đạt được trong đào tạo nguồn lao động CLC đã góp phần để chương trình nhánh về nâng cao chất lượng đào tạo nghề (thuộc Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) hoàn thành mục tiêu đề ra. Cả hai tiêu chí của chương trình này: Ðến năm 2020, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng số lao động đang làm việc với chất lượng đào tạo đạt chuẩn Cộng đồng kinh tế ASEAN; tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố đạt từ 85 đến 90%, đều đạt và vượt. Cũng qua chương trình nhánh này, các ngành chức năng đã chủ động xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển đào tạo nghề, đầu tư cơ sở vật chất, thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế… nhằm đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội và thị trường lao động; đào tạo lao động CLC gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu.

Nâng chất nguồn nhân lực

Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh có sáu chương trình nhánh, gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị; đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng; nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân.

Mục tiêu của chương trình là tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bổ sung chính sách đủ mạnh để thu hút và trọng dụng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó vừa chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung, xây dựng nguồn nhân lực còn thiếu, vừa quan tâm xây dựng nguồn nhân lực CLC gắn với phát triển khoa học - công nghệ. Tập trung cho những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố nhanh và bền vững, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Sau 5 năm thực hiện, nhìn chung Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt được những kết quả quan trọng, là trụ cột để thành phố hướng đến đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững. Một số đề án, chương trình, cơ chế đột phá đã được nghiên cứu, xây dựng, ban hành tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và xã hội. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế đạt được kết quả đề ra. Trình độ, năng lực đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế ngày càng được nâng lên đã trực tiếp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, kéo giảm tình trạng quá tải bệnh viện. Một số chương trình đào tạo y tế của thành phố được quan tâm đầu tư, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, kết quả chung đạt được chưa như kỳ vọng. Trong 48 chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu của sáu chương trình nhánh, chỉ có 21 chỉ tiêu đạt được kết quả đề ra (chiếm 43,75%); 27 chỉ tiêu chưa hoàn thành (chiếm 56,25%). Bên cạnh những chương trình nhánh hoàn thành 100% chỉ tiêu, vẫn có chương trình nhánh chưa thực hiện được chỉ tiêu nào, hoặc số chỉ tiêu hoàn thành còn thấp...

Ðể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo bước đột phá, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần có chủ trương và giải pháp đẩy mạnh công tác kết nối và hợp tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp trên địa bàn. Quy định việc hợp tác với các trường đại học là nhiệm vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp. Thành phố cần chủ trì công tác dự báo nguồn nhân lực tại địa phương đối với mỗi ngành nghề, nhu cầu nguồn nhân lực của khu vực Ðông - Nam Á, xây dựng đồng bộ dữ liệu và công bố dữ liệu dự báo về xu hướng phát triển ngành nghề, nhu cầu ngành nghề giúp các trường đại học trên địa bàn thành phố có cơ sở định hướng đào tạo.

Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đối với công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học cũng như công tác kiểm định ngành của các trường, tạo động lực thúc đẩy các trường không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng đào tạo.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/tang-loi-the-canh-tranh-hoi-nhap-ben-vung-619654/